"Con bạch tuộc" khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng euro (Eurozone) đã vươn "vòi" tới Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong khi nền kinh tế đầu tàu thứ hai là Pháp đang ngấp nghé bờ vực suy thoái, khiến cho bức tranh kinh tế của Lục địa già ngày càng trở nên u ám.
Kim ngạch xuất khẩu của Đức đã sụt giảm 3,4% trong tháng 9. Trong ảnh: Một dây chuyền sản xuất xe Volkswagen ở Wolfsburg. |
Tờ Le Figaro của Pháp số ra mới đây dẫn dự báo của Bộ Kinh tế Đức cho biết, tăng trưởng của kinh tế Đức sẽ trì trệ trong quý IV năm nay và sẽ kéo dài trong suốt quý I năm 2013. Mặc dù các doanh nghiệp Đức đang buộc phải giảm mạnh đầu tư, song Bộ Kinh tế Đức nhận định đây chỉ là hiện tượng mang tính chất tạm thời, do khủng hoảng nợ Eurozone gây ra.
Le Figaro nhận định, tinh thần các chủ doanh nghiệp Đức đang bị lung lay. Một số doanh nghiệp lớn của Đức bắt đầu rục rịch các chính sách sa thải nhân viên. Ngay cả ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô cũng bắt đầu có dấu hiệu "hụt hơi", trong khi các nhà sản xuất buộc phải bán tống bán tháo sản phẩm để duy trì doanh số bán hàng. Các chuyên gia kinh tế còn lo ngại rằng lĩnh vực máy móc, dụng cụ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, do một số doanh nghiệp bắt đầu thực hiện chính sách thất nghiệp bán phần.
Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu, trụ cột chính của kinh tế Đức, đã sụt giảm 3,4% trong tháng 9 vừa qua. Trong khi đó, xuất khẩu toàn khu vực châu Âu giảm tới 9,1%, mức kỷ lục kể từ tháng 11/2009. Số lượng đơn đặt hàng công nghiệp ghi nhận trong khoảng thời gian này cũng sụt giảm thê thảm mà chưa xuất hiện tín hiệu lạc quan về triển vọng hồi phục.
Cũng theo Le Figaro, nền kinh tế Pháp đang đứng bên bờ vực suy thoái. Ngân hàng Pháp dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý IV sẽ giảm tiếp 0,1%, tương tự như quý trước đó. Như vậy, kinh tế Pháp gần như rơi vào giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế Pháp đang cố trấn an các nhà đầu tư, khi cho rằng "tình hình cuối năm sẽ gặp phải một số khó khăn, nhưng sau đó sẽ dần được khắc phục".
"Điềm xấu" của EU
Giữa bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu châu lục Đức và Pháp đang loay hoay tìm lối thoát khỏi khủng hoảng nợ, Liên minh châu Âu (EU) ngày 10/11 đã thất bại trong đàm phán về ngân sách của khối năm 2013.
Các cuộc đàm phán đầu tiên giữa các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã không thành công sau khi một số nước ủng hộ chủ trương "thắt lưng buộc bụng" từ chối lấp đầy phần thiếu hụt trong những quỹ dành cho các nước thành viên nghèo hơn trong năm 2012.
Theo các nguồn tin nước ngoài, thay vì tập trung vào thông qua ngân sách năm 2013, vòng đàm phán lần này "sa lầy" vào phần thiếu hụt lên tới 8,9 tỷ euro (11,3 tỷ USD) chi tiêu trong năm 2012. Các nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách EU gồm Anh, Áo, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Pháp, Phần Lan và Thụy Điển, đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) sử dụng 15 tỷ euro trong ngân sách dự trữ để lấp đầy "lỗ hổng" nói trên. Tuy nhiên, EC cho biết các nguồn dự trữ này đã cạn kiệt, đồng thời đề nghị giảm hóa đơn thanh toán trong năm 2012 bằng cách khấu trừ 1,4 tỷ euro không được thanh toán trong thời gian này.
Đối với ngân sách 2013, EC và EP đang tìm kiếm một sự gia tăng 6,8%, lên 1 tỷ euro để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, song những nước đóng góp chính lại tìm cách cắt giảm mạnh với lý do để đáp ứng những mục tiêu cắt giảm chi tiêu và chương trình "thắt lưng buộc bụng" ở hầu hết các nước thành viên EU. Pháp, Phần Lan và Đức muốn giảm 5 tỷ euro trong khi Anh đưa ra con số cao hơn. EP và các nước thành viên dự định nối lại các cuộc đàm phán này vào ngày 13/11 tới.
Giới quan sát nhận định, thất bại trong các cuộc đàm phán về ngân sách năm 2013 của EU báo hiệu "điềm xấu" đối với hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này bàn về ngân sách dài hạn 2014 - 2020, dự kiến diễn ra trong các ngày 22 - 23/11.
Hồng Hạnh (tổng hợp)