Triều Tiên ngừng xây dựng bệ phóng tên lửa?

Theo một bản phân tích hình ảnh mới đây được chụp qua vệ tinh, CHDCND Triều Tiên đã ngừng hoạt động xây dựng tại khu vực dự kiến làm bãi phóng tên lửa tầm xa cỡ lớn và tân tiến. Người ta cho rằng đây là tín hiệu chứng tỏ Bình Nhưỡng đang hạn chế hoặc thậm chí là chấm dứt hoạt động chế tạo các loại tên lửa này.


 

Hình ảnh bãi phóng vệ tinh Tonghae của Triều Tiên chụp qua vệ tinh.

 

Hình ảnh qua vệ tinh cho thấy các con đường chưa được hoàn thiện và cỏ mọc khắp khu vực dự kiến dành cho việc lắp đặt tên lửa mới. Đây có thể là tin tức tích cực đối với Oasinhtơn và những người coi chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là mối đe dọa, mặc dù hiện vẫn chưa rõ quá trình này chỉ bị đình trệ tạm thời hay chấm dứt hoàn toàn.


Theo bản phân tích của " North", trang điện tử của Viện Mỹ - Hàn thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Hiện đại Johns Hopkins, vẫn chưa rõ lý do khiến Triều Tiên trong suốt 8 tháng qua dừng hoạt động xây dựng bệ phóng, khu lắp ráp tên lửa và trung tâm điều hành mới tại bãi phóng vệ tinh Tonghae phía đông bắc nước này.


Bản phân tích hình ảnh vệ tinh chụp ngày 26/5 của DigitalGlobe và Astrium chỉ ra một số kịch bản có khả năng đang diễn ra: Giả thuyết thứ nhất là trang thiết bị và công nhân xây dựng của khu vực này, từng được điều động đi nơi khác để khắc phục hậu quả do trận mưa lớn năm 2012 gây ra, vẫn chưa trở lại. Giả thuyết thứ hai là giới lãnh đạo Triều Tiên quyết định rằng bãi phóng tên lửa Sohae tân tiến hơn tại phía tây bắc - nơi từng diễn ra vụ phóng tên lửa hồi tháng 4 và tháng 12/2012 - vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu liên quan đến việc phát triển các tên lửa cỡ lớn hơn.


Tất cả các tín hiệu liên quan đến chương trình tên lửa bí mật của Triều Tiên, mà Oasinhtơn và nhiều quốc gia khác coi là vỏ bọc cho hoạt động nghiên cứu phát triển tên lửa nhằm tấn công nước Mỹ, đều nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.


Một nhà phân tích khác cho rằng việc Triều Tiên ngừng hoạt động xây dựng bệ phóng mới có thể là nhằm giảm thiểu căng thẳng, vốn gia tăng sau nhiều tuần Bình Nhưỡng đe dọa tấn công trả đũa các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với vụ phóng tên lửa hồi tháng 12/2012 và thử hạt nhân hồi tháng 2/2013. Nhà phân tích Ohm Tae-am thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, một cơ quan do chính phủ quản lý, nhận định: "Có thể Triều Tiên đã nhận ra rằng đối đầu sẽ không mang lại điều gì có lợi". Ông cho rằng nền kinh tế kiệt quệ của quốc gia này cũng góp phần tác động tới quyết định dừng hoạt động xây dựng tại bãi phóng Tonghae.


Theo bản phân tích của " North", hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của các trang thiết bị, nhân sự cũng như các hoạt động tại khu vực xây dựng bệ phóng mới ở Tonghae. Ngay cả trong trường hợp Triều Tiên quyết định khôi phục hoạt động tại khu vực này thì việc hoàn thành có thể sẽ phải hoãn tới tận năm 2017, ít nhất là lâu hơn một năm so với các ước tính trước đó.


Quốc tế vốn gặp nhiều khó khăn trong việc dự đoán ý đồ của Triều Tiên cũng như đánh giá năng lực chuyên môn của quốc gia châu Á này, song nhiều người cho rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa sở hữu công nghệ thu nhỏ kích thước thiết bị hạt nhân tới mức cần thiết để lắp đặt vào tên lửa tầm xa, từ đó đạt được mục tiêu là tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng Bình Nhưỡng đã có thể lắp đặt đầu đạn hạt nhân vào các tên lửa tầm ngắn.


TTK

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN