Trồng bồn bồn, cơ hội làm giàu cho nông dân vùng ngọt hóa Cà Mau

Bồn bồn là loại cây thích nghi với nước ngọt, rất dễ trồng vì nó mọc được ở những vùng đất ruộng trũng, trồng lúa cho năng suất thấp. Trồng bồn bồn không cần nhiều vốn mà bán được giá cao. Đây là mô hình giúp cho những hộ nông dân vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau có cơ hội làm giàu.


Nông dân thu hoạch bồn bồn.

Trước đây, nông dân vùng ngọt hóa Cà Mau chưa ai nghĩ đến việc trồng cây bồn bồn để xóa đói giảm nghèo. Một số nông dân trồng bồn bồn chỉ để ăn hoặc biếu cho người quen. Nhiều hộ không thể thoát được nghèo vì chưa có mô hình sản xuất hiệu quả, quanh năm chỉ trông nhờ vào 2 vụ lúa với lối canh tác truyền thống cho năng suất thấp, bấp bênh.

Chị Nguyễn Thị Lài (ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) cho biết: “Gia đình có 7 công đất trồng lúa thu hoạch không đủ ăn nên chuyển sang trồng bồn bồn. Mỗi năm thu nhập được hơn 30 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Bây giờ đã thoát được nghèo, vợ chồng tôi có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đàng hoàng”.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng bồn bồn, hộ chị Lài cùng với hơn 30 hộ nông dân nơi đây đồng loạt áp dụng mô hình sản xuất mới. Hộ có đất rộng trồng từ 20-30 công bồn bồn, cho thu nhập từ 70-120 triệu đồng/năm. Những hộ nông dân đất ít, có năm bảy công đất trồng bồn bồn cũng thu nhập được trên dưới 25 triệu đồng/năm.

Bồn bồn tươi. Ảnh: Kim Há

Trồng bồn bồn ở đây không phải lo chạy tìm đầu ra vì sau khi thu hoạch sẽ tiêu thụ tại chỗ. Bồn bồn bán được giá, nhiều nông dân ở đây có cơ hội làm giàu. Năm 2008 trở về trước, bồn bồn tươi chỉ bán được giá 8.000 - 10.000 đồng/kg nay giá tăng lên 25.000 đồng/kg. Vào đợt thu hoạch bồn bồn, nông dân lấy ngó, thân và lá non làm dưa để bán được giá 30.000 đồng/kg. Dưa bồn bồn ăn rất ngon bởi hương vị đặc trưng riêng cho nên không chỉ có dân miền Tây ưa chuộng món ăn đặc sản này.

Ông Trần Hoàng Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cho biết: Trồng bồn bồn chính là mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả đối với nông dân vùng ngọt hóa. Để giúp nông dân sản xuất bền vững, làm giàu không chỉ có thế mạnh từ trồng bồn bồn; trong năm 2011, UBND xã quy hoạch 17 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang thực hiện mô hình tổ hợp tác trồng bồn bồn và nuôi cá đồng (cá thác lác, cá rô, cá lóc…); đồng thời kết hợp với ngành chuyên môn hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, kinh nghiệm trồng bồn bồn và nuôi cá đồng đạt được hiệu quả cao.

Kim Há
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN