Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, do giá tiêu trên thị trường hiện đang tăng cao (giá từ 118.000 - 120.000 đồng/kg, thậm chí có lúc tăng lên 130.000 -140.000 đồng/kg), nên đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đã đua nhau phát triển ồ ạt cây hồ tiêu, không theo quy hoạch.
Từ đầu mùa mưa năm 2012 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng mới hàng ngàn ha hồ tiêu, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk, đưa tổng diện tích tiêu toàn vùng tăng lên trên 24.883 ha, tăng 3.200 ha so cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ riêng tỉnh Đắk Nông, trong mùa mưa năm nay, đồng bào đã trồng mới thêm 1.000 ha, đưa diện tích tiêu của Đắk Nông tăng lên trên 9.029 ha.
Diện tích trồng hồ tiêu mới này chủ yếu là đất vườn, đất nương rẫy gieo trồng các loại cây ngắn, dài ngày (kể cả diện tích cà phê hết chu kỳ kinh doanh) được chuyển đổi sang.
Điều đáng nói là do chạy theo phong trào và lợi nhuận trước mắt, bà con đã bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, ồ ạt đưa cây tiêu vào trồng ở những vùng đất không thích hợp, nhất là các vùng đất trũng, tiêu nước chậm...
Do đua nhau mở rộng diện tích nên hiện nay, giá dây tiêu giống ở Tây Nguyên tăng lên gấp 3 - 4 lần so với năm ngoái.
Đáng quan tâm là đồng bào đã đưa vào trồng các giống tiêu không rõ nguồn gốc nên dễ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho người dân. Ngoài ra, cũng do mở rộng diện tích trồng tiêu nên nhu cầu gỗ làm trụ tiêu cũng tăng lên, góp phần làm cho diện tích, chất lượng rừng ở Tây Nguyên ngày càng thu hẹp, giảm dần.
Chỉ riêng tại Đắk Lắk, các cơ quan chức năng đã kiểm tra truy quét, bắt giữ hàng trăm vụ phá rừng trái phép, tịch thu gần 1.000 m3 gỗ trụ tiêu.
Thiết nghĩ, các tỉnh Tây Nguyên cần sớm quy hoạch, tổ chức, hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển cây tiêu theo đúng kế hoạch, vùng quy hoạch; tránh để xảy ra tình trạng "không thể kiểm soát" diện tích trồng tiêu như hiện nay.
Quang Huy