Xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, là một xã ven biển của tỉnh Tiền Giang, từng có thời gian dài đất nhiễm mặn, khô hạn kéo dài đến 5 - 6 tháng/năm, khiến sản xuất nông nghiệp rất khó khăn.
Nhiều vùng rau chuyên canh đã hình thành ở Gò Công Đông. |
Từ khi dự án ngọt hóa Gò Công hoàn thiện đã khắc phục tình trạng trên, nhiều hộ nông dân Bình Nghị đổi đời nhờ áp dụng những mô hình canh tác mới, hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật là mô hình trồng rau an toàn kết hợp thâm canh lúa chất lượng cao và chăn nuôi của gia đình ông Trần Công Minh, ấp Hòa Bình (Bình Nghị, Gò Công Đông), đã giúp gia đình ông trở thành triệu phú.
Gia đình ông Minh có 7 nhân khẩu, canh tác 75 sào đất (tương đương 7.500 m2 đất) trong đó có 25 sào trồng rau màu, còn lại trồng lúa chất lượng cao 3 vụ/năm. Trước đây, đất màu vốn ở gò cao, thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn nên gần như không khai thác được. Khi dự án ngọt hóa Gò Công đưa nước ngọt tới từng chân ruộng, gia đình ông chuyển đổi sản xuất từ trồng rau màu mỗi năm vài ba vụ sang chuyên canh màu theo ngưỡng an toàn mỗi năm quay 8 vòng. Ông trồng luân phiên các loại rau cải, cà chua, dưa leo, khổ qua... tùy theo nhu cầu thị trường từng thời điểm. Do giỏi thâm canh, biết áp dụng các qui trình trồng rau an toàn được tập huấn thông qua các lớp huấn luyện nông dân nên gia đình ông giảm được chi phí, năng suất và đạt sản lượng cao. Bình quân, năng suất rau màu của gia đình đạt 4 tấn/công đất (10 sào) tức khoảng 40 tấn/ha/vụ.
Ông Trần Công Minh cũng là người đi tiên phong trong việc phát huy lợi thế của dự án ngọt hóa Gò Công để tăng mùa, chuyển vụ, tăng năng suất và sản lượng. Trong quá trình canh tác, ông Minh coi trọng các khâu nước, phân, cần, giống, trong đó chú ý sử dụng các giống mới có phẩm chất tốt hướng tới xuất khẩu, đặc biệt là giống lúa thơm chủ lực. Ngoài ra, ông còn xây chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm trong quá trình canh tác, tăng thêm hiệu quả sản xuất. Trong chuồng nhà ông thường xuyên có hàng chục con lợn nái và 60 - 70 con lợn thịt.
Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Minh lãi hơn 130 triệu đồng, trong đó riêng rau an toàn và lúa chất lượng cao chiếm ưu thế, lợi nhuận khoảng 65 - 70 triệu đồng, còn lại từ chăn nuôi và các nguồn lợi khác. Trong quá trình sản xuất theo mô hình mới, ông Trần Công Minh đã đúc kết được kinh nghiệm của mình: Đó là nông dân phải nhanh chóng đoạn tuyệt với tập quán canh tác cũ không còn phù hợp, biết nhạy bén nắm bắt và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong xây dựng những mô hình sản xuất phù hợp mang tính hàng hóa cao. Đặc biệt, phải tổ chức sản xuất theo ngưỡng an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe theo qui trình trồng rau an toàn là hướng đi tất yếu.
Bài và ảnh: Minh Trí