Trứng nhân tạo” có chức năng, hương vị và giá trị dinh dưỡng y như trứng thật đang trở thành một đề tài nóng. Dự đoán, sản phẩm này sẽ khiến ngành công nghiệp trứng thật trị giá 9 tỉ USD/năm phải điêu đứng.
“Trứng nhân tạo” sẽ góp phần hạn chế thiếu hụt lương thực trong tương lai. |
Nằm khiêm tốn tại khu công nghệ cao SoMa, phía nam thành phố Sanfrancisco (Mỹ), Công ty thực phẩm Hampton Creek do ông chủ Josh Tetrick sáng lập được xem như một “nhân tố lạ”. Bởi, thay vì nghiên cứu những ứng dụng, phần mềm vi tính như những người hàng xóm, họ lại tập trung nghiên cứu để tìm ra những loại thực vật có khả năng tạo ra nguyên liệu để sản xuất trứng gia cầm nhân tạo.
Hampton Creek đã tiến hành phân tích 1.500 mẫu thực vật của hơn 60 nước trên thế giới. Trong số đó, họ đã tìm được 11 mẫu, hầu hết thuộc họ đậu, phù hợp để tạo ra trứng nhân tạo. Với công thức pha trộn đặc biệt, các loại thực vật này đã được biến thành “trứng nhân tạo” có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, giàu dinh dưỡng, hạn chế cholesterol và mang mùi vị của trứng thật.
Điểm sáng tạo ở đây là họ đã nhìn nhận ngành công nghiệp thực phẩm theo một góc độ khác. Các nhà khoa học của Hampton Creek không xem trứng như một đơn vị độc lập, mà tối ưu hóa nó như một công cụ để tạo ra các thủ thuật khác nhau trong ngành ẩm thực. Tetrick cho biết “trứng gà là sự lựa chọn tối ưu, bởi nó có 22 chức năng khác nhau” trong đó mỗi loại thực phẩm làm từ trứng sử dụng những chức năng khác nhau. Ví dụ, nước sốt mayonnaise sử dụng chức năng nhũ hóa và đông tụ của trứng; trong khi với bánh, chức năng chính của chúng là thông khí, tạo màu nâu, liên kết và tạo kết cấu.
Ngoài ra, thay vì tìm kiếm một loại thực vật duy nhất có chứa 22 chức năng của trứng, Hampton Creek tìm kiếm nhiều loại thực vật có thể đáp ứng những yêu cầu riêng biệt. Điển hình là loại đậu Hà Lan vàng hoàn toàn phù hợp với sốt mayonnaise, trong khi món bánh quy sử dụng một loại hạt đặc biệt của cây cao lương. Và nếu hoán đổi hai loại thực vật này, thì dù giữ nguyên những thành phần khác, sản phẩm này cũng không thể ăn được.
Mười năm trước, tỷ phú Bill Gates đã không khỏi ngỡ ngàng khi được nếm một chiếc bánh làm từ Beyond Eggs, một sản phẩm nhân tạo của Hampton Creek, có mùi vị y chang so với bánh thường. Chính ấn tượng này đã thôi thúc ông đầu tư vào dự án mà ông cho là “cơ hội trị giá hàng ngàn tỉ USD”. Ngoài ra, các nhà đầu tư có tiếng khác ở thung lũng Silicon như Peter Thiel và Khosla Ventures cũng tham gia vào dự án tiềm năng này.
Mục đích chính của Hampton Creek không dừng lại ở những quả trứng nhân tạo. Họ muốn làm ra các thực phẩm truyền thống có thành phần chủ yếu từ trứng, như bánh, nước sốt mayonnaise… theo cách rẻ hơn, hiệu quả hơn. |
Năm 2012, các nhà đầu tư đã mạnh tay rót 350 triệu USD cho công ty thực phẩm tiên phong này phát triển các dòng thực phẩm thay thế, cao hơn nhiều so với con số 50 triệu USD đầu tư năm 2008.
Theo Hampton Creek, sử dụng thực vật làm trứng sẽ giúp người tiêu dùng hạn chế những tác động tiêu cực của phương pháp chăn nuôi lấy trứng truyền thống như dịch cúm gia cầm, lãng phí nguồn đất, nước, ô nhiễm môi trường… Đồng thời với quy trình sản xuất tiết kiệm, thân thiện với môi trường, công nghệ này hứa hẹn sẽ tạo ra các loại thực phẩm an toàn, bền vững.
Hiện Hampton Creek đã tung ra thị trường Mỹ loại nước sốt mang tên Just Mayo với mức giá ngang với các sản phẩm truyền thống tại hệ thống Whole Foods. Tetrick nhận thấy tiềm năng của mặt hàng này không chỉ ở các kệ hàng trong siêu thị mà còn ở các chuỗi thực phẩm như các quán buffet, căng tin trường đại học hay thậm chí là các chuỗi nhà hàng ăn nhanh McDonal hay Burger King. “Tham vọng thật sự của tôi là mang loại sốt Mayo sử dụng trứng nhân tạo tới thế giới trong khi thế giới thậm chí còn chưa biết về nó”, Tetrick nói.
Huyền Trang