Bài viết cho rằng hoạt động đầu tư, thương mại Việt - Nhật là hoạt động mang tính tương hỗ, bổ sung cho nhau, góp phần tối ưu hóa lợi ích cạnh tranh của mỗi bên. Tính bổ sung, tương trợ được thể hiện rõ trong cơ cấu các nhóm hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước. Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải (chiếm tỷ trọng đến 50%), trong khi mặt hàng Nhật Bản nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam là nhóm hàng may mặc, sản phẩm gỗ,… (chiếm tỷ trọng %).
Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, củng cố thương hiệu đối với những mặt hàng đã khẳng định được chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản như hàng may mặc, giầy dép, thủy sản, rau quả, đồ gỗ, cà phê, dây cáp điện, sản phẩm điện tử và linh kiện..., Việt Nam đang tiếp tục cải thiện nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các điều kiện, tiêu chuẩn đề ra về chất lượng, mẫu mã hàng hóa nhằm đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, trước mắt tập trung các mặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông lâm thủy sản, công nghiệp (gia công phần mềm), gia công cơ khí…
Trong lĩnh vực đầu tư, việc tăng cường hợp tác đang mang lại những lợi ích cho cả hai bên. Đối với Việt Nam, đầu tư từ Nhật Bản giúp Việt Nam tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, trình độ quản lý, sớm tiếp cận, nắm bắt những công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực của Nhật Bản, góp phần hiệu quả vào công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Đối với Nhật Bản, thông qua hoạt động kinh tế, giao thương với Việt Nam, Nhật Bản sẽ đa dạng hóa thêm các kênh tiếp cận, tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động kinh tế tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thị trường đầy tiềm năng với quy mô 650 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 2.500 tỷ USD.
Thời gian tới, với sự quan tâm của chính phủ hai nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan của Việt Nam và Nhật Bản, hợp tác thương mại song phương sẽ tiếp tục được duy trì bền vững. Việc hai nền kinh tế tăng cường liên kết sẽ góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực châu Á” mà lãnh đạo hai nước đã khẳng định trong các chuyến thăm cấp cao, cũng như được thể hiện trong các chương trình, hoạt động cụ thể giữa các địa phương, các ban ngành, các hiệp hội, tổ chức đoàn thể và các doanh nghiệp hai nước.