Từ bỏ đồng euro không dễ dàng

Giữa lúc đồng tiền chung châu Âu lâm cảnh khốn đốn nhất kể từ khi ra đời năm 1999, cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Oskar Lafontaine mới đây đã lên tiếng kêu gọi các nước từ bỏ nó để quay trở lại với các đồng tiền quốc gia. Trước lời kêu gọi này, ông Trevor Evans, Giáo sư về lý thuyết tiền tệ, chính sách tiền tệ và quan hệ tiền tệ quốc tế tại trường Đại học Kinh tế và Luật Béclin, có bài phân tích đăng trên mạng tin "Open Democracy" cho rằng dù sự thất vọng với đồng tiền này đang ngày một lớn hơn nhưng đề xuất của ông Lafontaine được nhìn nhận là vô nghĩa, nếu xét từ quan điểm kinh tế và chính trị.


 

Sẽ không dễ để từ bỏ đồng euro. ảnh: Internet

 

Trong 14 năm qua, đồng euro đã giúp tạo dựng một sự kiểm soát dân chủ hơn đối với các chính sách kinh tế. Việc sử dụng một đồng tiền chung đã giảm thiểu khả năng đầu cơ tiền tệ nhằm tạo ra những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế, như đã từng xảy ra tại Mỹ năm 1979, tại Pháp năm 1982 và trong hệ thống tiền tệ châu Âu (EMS) năm 1992. Việc quay trở lại với các đồng tiền quốc gia với các tỷ giá cố định như tại EMS trong giai đoạn từ 1979 - 1999 là không khả thi, bởi việc này đòi hỏi phải tái triển khai các cơ chế kiểm soát vốn giữa các nước trong khối, nhất là khi các nền kinh tế này giờ đây đã liên kết chặt chẽ với nhau.


Eurozone có thể phải đối phó với nguy cơ sụp đổ, nhưng sẽ không dễ để từ bỏ đồng tiền này. Khi lợi ích đã quá gắn bó với đồng euro, các quốc gia chủ chốt và các tập đoàn lớn sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn khả năng này. Và quan trọng hơn, đó không phải là mong muốn của nhiều người mà chỉ là đòi hỏi của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa, được thúc đẩy bởi các động cơ hoàn toàn khác biệt.


Vấn đề là ở chỗ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được thiết lập với một chính sách chung về tiền tệ, nhưng không có chính sách chung về tài chính, về tiền lương hoặc về sản xuất công nghiệp. Theo các chuyên gia, một lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay phải bao hàm các cơ chế phối hợp chặt chẽ các chính sách kinh tế, trong đó đặc biệt là sự phối hợp trong chính sách tiền lương, chính sách tài khóa và chính sách công nghiệp.


Lời kêu gọi của ông Lafontaine về việc từ bỏ đồng euro để quay trở về với các đồng tiền quốc gia là dựa vào sự khác biệt giữa các hệ thống tiền lương trong khu vực kể từ khi đồng euro ra đời. Để tương thích với mục tiêu lạm phát 2%/năm mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đặt ra thì chi phí cho một đơn vị tiền lương cũng phải tăng tương ứng. Tuy nhiên, kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999 và cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế nổ ra vào cuối năm 2007, chi phí tiền lương tại các nước khác nhau trong khu vực có sự chênh lệch đáng kể.


Tại Pháp, chi phí cho một đơn vị tiền lương tăng khoảng 2%/năm. Trong khi đó, do chính sách kiềm chế tiền lương, chi phí này tại Đức nói chung đã không tăng mà thậm chí còn giảm nhẹ. Chính sách này của Đức đã góp phần làm tăng thặng dư thương mại, bù lại tình trạng giậm chân tại chỗ trong nhu cầu nội địa của nước này. Tại Nam Âu, chi phí cho một đơn vị tiền lương tăng trên 2% mỗi năm và được trang trải chủ yếu bằng số tiền đi vay của Đức và Pháp đã khiến thâm hụt thương mại gia tăng.


Trong khi đó, Thủ tướng Italia Enrico Letta ngày 21/5 cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ sụp đổ nếu không hành động quyết liệt hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề hiện nay. Theo ông Letta, EU phải duy trì cam kết trong việc giải quyết nạn thất nghiệp trong giới trẻ, đồng thời nhanh chóng thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Việc giải quyết cuộc khủng hoảng thất nghiệp phải là một "ưu tiên vô điều kiện", cả cho nền kinh tế cũng như uy tín của EU. Ngoài ra, uy tín của EU cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu không có những hành động nhanh chóng, mang tính quyết định nhằm hướng tới việc thành lập một liên minh ngân hàng.


Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canađa Mark Carney, người sẽ trở thành Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh từ ngày 1/7 tới, cũng cảnh báo châu Âu đang đối mặt với một thập kỷ trì trệ nếu không tiến hành những cải cách trọng yếu để ổn định tình hình tài chính. Ông nói châu Âu vẫn chưa thoát khỏi suy thoái, khi các hoạt động kinh tế bị hạn chế bởi các biện pháp khắc khổ, lòng tin thấp và các điều kiện tín dụng bị thắt chặt. Ông cho rằng các vấn đề tài chính nghiêm trọng trong hệ thống tài chính của châu Âu vẫn còn đó.


Minh Đức - Ngự Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN