Tự chế tạo máy đuổi muỗi để học bài ban đêm

Dựa trên những kiến thức về vật lý, sinh học đã học được ở trường cùng với tinh thần đam mê sáng tạo, học sinh Tạ Trung Nghĩa, lớp 12A trường THPT Lê Quý Đôn ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đã chế tạo ra chiếc máy đuổi muỗi nhỏ gọn với chi phí thấp và tiết kiệm pin để học sinh yên tâm học bài vào buổi tối.

Bước vào cấp 3 em Tạ Trung Nghĩa dành nhiều thời gian học bài buổi tối và thường xuyên bị muỗi đốt gây mất tập trung, vốn có tính sáng tạo, Nghĩa nghĩ đến việc tạo ra một chiếc máy đuổi muỗi và tìm tòi cách thực hiện.

Nghĩa cho biết: Về đặc tính sinh học, muỗi cái mang thai hút máu người để nuôi con, lúc này muỗi cái luôn tránh xa muỗi đực. Em liền nghĩ đến việc tạo ra một chiếc máy phát ra âm thanh giống tiếng muỗi đực để xua đuổi muỗi cái.

Để tạo ra một chiếc máy như vậy, Nghĩa đến cửa hàng linh kiện điện tử để mua các dụng cụ và tự mày mò lắp ráp. Em dùng 2 tụ hòa để ráp thành mạch điện giao động đa hài, gắn vào 2 transistor, pin và một công tắc, khi bật công tắc, mạch giao động đa hài phát ra tần số âm thanh giống tiếng của muỗi đực.

Hoàn thành chiếc máy, Nghĩa thử nghiệm vào buổi tối và có kết quả, chỗ học bài của em không còn nhiều muỗi nữa. Tuy nhiên do em dùng pin đại nên chiếc máy không được nhỏ gọn và thuận tiện khi sử dụng mặc dù các mạch điện rất nhỏ.

Cậu học sinh lớp 12 này lại mày mò để thay pin lớn bằng pin cực nhỏ lắp ráp vào máy, tất cả các chi tiết máy được đưa vào một vỏ loa thạch anh có thể cầm trong lòng bàn tay.

Trung Nghĩa chia sẻ: Chi phí làm chiếc máy chỉ khoảng 20.000 đồng với các dụng cụ dễ dàng tìm thấy ở cửa hàng bán đồ điện tử, thời gian lắp ráp chỉ khoảng 15 phút. Máy nhỏ gọn có thể cầm trong lòng bàn tay nên người dùng có thể bỏ túi, dễ dàng mang theo để sử dụng khi có nhu cầu.

Chế tạo thành công chiếc máy đuổi muỗi, Nghĩa dùng sản phẩm của mình để học bài buổi tối tại nhà, làm ra một số máy tượng tự để người nhà dùng và chia sẻ với bạn bè. Nhiều bạn ở lớp thấy chiếc máy nhỏ gọn có hiệu quả đuổi muỗi nên đã nhờ Nghĩa làm để mang về sử dụng, nhiều học sinh còn học hỏi cách làm để tự mình làm ra máy sử dụng.

Em Tôn Thất Minh Nhật, lớp 12C trường THPT Lê Quý Đôn, một trong những học sinh được Nghĩa chia sẻ về chiếc máy đuổi muỗi cho biết: Máy đuổi muỗi của bạn Nghĩa rất nhỏ gọn, dễ làm và rất hiệu quả trong việc đuổi muỗi, sử dụng máy lúc học bài buổi tối, em không còn bị muỗi đốt nên dễ tập trung học bài hơn.

Tạ Trung Nghĩa được thầy cô và bạn bè ở trường khuyến khích gởi mẫu sản phẩm tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức, sản phẩm máy đuổi muỗi của Nghĩa được Ban Giám khảo đánh giá cao và trao giải ba.

Theo ông Nguyễn Văn Ngẫu, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hậu Giang, máy đuổi muỗi nhỏ gọn, tiết kiệm lại được một em học sinh sáng tạo nên, máy này không chỉ dùng để học sinh học bài buổi tối mà còn có tính ứng dụng cao cho các gia đình sinh hoạt tại những vùng có nhiều muỗi hoặc những người phải làm việc ban đêm.

Ban Tổ chức cuộc thi khuyến khích em Trung Nghĩa làm thêm nhiều máy đuổi muỗi như vậy để dùng trong gia đình, tặng bạn bè, thầy cô giáo để có thể nhân rộng sản phẩm này trong thời gian tới.


Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)

Biến đổi gen, ngăn chặn loài muỗi sinh sản
Biến đổi gen, ngăn chặn loài muỗi sinh sản

Các nhà khoa học đã biến đổi gen quyết định giới tính của loài muỗi Anophele, một loài vật truyền nhiễm chính ký sinh trùng bệnh sốt rét, để muỗi cái chỉ sinh ra những con muỗi đực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN