Trong thời đại Internet với sự bùng nổ thông tin hiện nay, tự do ngôn luận, tự do báo chí đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm sát sao của mỗi chính phủ. Ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực nảy sinh trong môi trường Internet là trách nhiệm của bất kỳ chính phủ nào, để tự do ngôn luận và tự do báo chí phục vụ lợi ích chính đáng của đông đảo nhân dân, đảm bảo ổn định và phát triển đất nước.
Tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mình, các quốc gia trên thế giới đều có những chính sách nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận. Nhưng không một nước nào coi quyền tự do ngôn luận là vô hạn, mà luôn đặt trong khuôn khổ luật pháp. Tự do ngôn luận chỉ được bảo vệ khi nó không xâm phạm lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia và cộng đồng; khi nó không xâm phạm những quyền tự do cơ bản khác.
Việc Chính phủ Việt Nam mới đây ban hành Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng là nỗ lực không ngừng hoàn thiện bộ máy pháp luật, cũng như nhiều chính phủ trên thế giới đã và đang làm trong quá trình phát triển đất nước.
Thực tiễn cho thấy luật pháp của nhiều nước công nhận quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, nhưng đặc biệt, không coi quyền này là “tự do tuyệt đối”. Ngay tại nước Mỹ, Điều 25, Chương 115 của Bộ luật Hình sự Mỹ nghiêm cấm mọi hành vi “in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ…”. Hiến pháp Mỹ cũng cho phép Tòa án Tối cao đưa ra những trừng phạt pháp lý khi phát hiện báo chí có hành vi phá hoại, lăng nhục, vu khống đối với Nhà nước, xã hội và cá nhân. Trên thực tế, mỗi năm ở Mỹ có rất nhiều văn bản lớn nhỏ khác nhau được Tòa án Tối cao ban hành để điều hành và kiểm soát báo chí. Hiến pháp của các bang nước này cũng cho phép truy tố tội lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Nhìn sang các nước khác, Cơ quan Phát triển Truyền thông (MDA) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore mới đây đã ban hành quy định các trang tin điện tử được cấp phép có nghĩa vụ phải rút những nội dung “hủy hoại sự hài hòa về chủng tộc và tôn giáo trong vòng 24 giờ” sau khi cơ quan quản lý truyền thông quốc gia yêu cầu. Điều 17 Hiến pháp nước Cộng hòa Kyrgyzstan cũng ghi rõ: “Hiến pháp và luật pháp nước CH Kyrgyzstan hạn chế việc thực hiện các quyền và quyền tự do được phép trong trường hợp nhằm bảo đảm quyền và tự do của người khác, đảm bảo an toàn và trật tự xã hội, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ trật tự hiến pháp.” Ở châu Phi, Điều 8, Hiến pháp Senegal thừa nhận việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, song cũng coi các quyền này là đối tượng bị điều chỉnh bởi các quy định pháp luật…
Những điều trên hoàn toàn phù hợp với nội dung “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” của Liên hợp quốc được khẳng định tại Điều 29: “Mỗi người đều có nghĩa vụ với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.
Cần khẳng định rằng, khi ai đó lạm dụng quyền tự do ngôn luận, sử dụng quyền tự do ngôn luận nhằm khiêu khích hoặc hạ thấp các giá trị của người khác, hành động đó chắc chắn không được bảo vệ. Còn nhớ mấy năm trước, việc một số tờ báo của Đan Mạch và sau đó là Pháp đăng tải tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi đã làm bùng lên làn sóng giận dữ trong cộng đồng người Hồi giáo trên khắp thế giới. Vụ bê bối nghe lén và câu chuyện vi phạm đạo đức nghề nghiệp của tờ “News of the World” cũng đã dẫn đến việc đóng cửa tờ báo “lá cải” số 1 này ở Anh. Từ vụ tai tiếng này, chính phủ Anh đã phải đưa ra quy định mới nhằm kiểm duyệt gắt gao hơn ngành truyền thông. Một tổ chức được thành lập trực thuộc chính phủ Anh, có quyền ban hành lệnh cấm hoạt động, đình bản vĩnh viễn, hay nhẹ hơn là phạt tiền và buộc phải đăng lời xin lỗi trên trang nhất,… đối với những sai phạm của cơ quan báo chí.
Nhưng đình đám hơn cả và làm chấn động cả thế giới thời gian qua là vụ Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Mỹ. Theo tiết lộ của báo chí Mỹ và phương Tây, NSA đã nghe lén điện thoại của hàng chục triệu người, xâm nhập máy tính của nhiều tổ chức và nhân vật quan trọng trong và ngoài nước Mỹ để thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân,… trong một thời gian dài. Làm sửng sốt cả giới tình báo và lãnh đạo nhiều nước, chương trình theo dõi lén của NSA có mật danh là PRISM này đã bị chính báo chí và không ít nghị sĩ Mỹ mô tả là “đòn tấn công vào Hiến pháp Mỹ”.
Những dẫn chứng trên một lần nữa khẳng định rằng không một quốc gia nào coi quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là tuyệt đối. Các hoạt động truyền thông xã hội như các trang thông tin điện tử của cá nhân hay tổ chức đều phải tuân thủ tự do ngôn luận trong khuôn khổ luật pháp. Trước sự phát triển vượt bậc của ngành thông tin hiện nay mà cụ thể là Internet, việc các quốc gia, trong đó có Việt Nam, củng cố luật pháp trong lĩnh vực thông tin là nhằm quản lý và xây dựng một xã hội ổn định để phát triển, để làm sao vừa phát huy được những tích cực của Internet vừa hạn chế tối đã những mặt tiêu cực của nó đến đời sống xã hội, đến văn hóa, nhận thức, tư tưởng, và đặc biệt đến lối sống của thanh thiếu niên. Thông tin điện tử, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến… đều cần được phát triển lành mạnh. Giả mạo tổ chức, cá nhân để phát tán thông tin sai sự thật là hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thậm chí có không ít trường hợp đã làm nhiễu loạn thông tin tài chính, ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và nền kinh tế. Nghiêm trọng hơn, việc lập và sử dụng trang tin mạo danh nhằm cố tình bóp méo sự thật, có thể làm chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đoàn kết, gây mất trật tự trị an và xã hội.
Các hoạt động trên mạng Internet đang ngày càng phổ biến và đã trở thành một bộ phận của đời sống xã hội. Những ai đã sử dụng các trang mạng xã hội hẳn đều hiểu mặt trái của nó nguy hại như thế nào nếu thiếu các công cụ quản lý hiệu quả. Mọi hành vi trên mạng của công dân bất kỳ nước nào cũng phải tuân thủ quy định, pháp luật của quốc gia đó. Việc Việt Nam xây dựng và ban hành Nghị định 72 chính là nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn lợi ích chính đáng công dân. Tạo hành lang pháp lý minh bạch hơn để phát triển Internet, là điều cần thiết và chính đáng như nhiều nước khác trên thế giới đã và đang thực hiện.
QUỲNH MAI