Tục cúng bà Thủy Long

Tùy theo địa phương, ở Nam Bộ người dân có khi gọi người phụ nữ được xem là có quyền lực nhất trên biển cả là bà “Thủy Long”, có nơi lại gọi với cái tên công chúa “Thủy tề”. Nhưng dù tên gọi có khác nhau nhưng đều có chung suy nghĩ, nhân vật ấy mang lại cho mình những điều may mắn tốt lành, làm ăn phát đạt.

 

Miếu thờ bà Thủy Long ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.


Ông Châu Văn Sơn, 76 tuổi, Trưởng ban quản lý miếu thờ công chúa Thủy tề tọa lạc tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu kể “… Miếu thờ này tồn tại đã 98 năm qua nay vẫn không bị hư hỏng xuống cấp do được nhiều người dân chung tay chăm sóc, tôn tạo, giữ gìn…”.

 

Người dân tập trung về cúng bà Thủy Long hàng năm tại miếu thờ ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.


Nhiều người dân cố cựu nơi đây cho biết: ngày trước ngôi miếu nằm khá xa bờ biển Nhà Mát nhưng do đất bị xói mòn dần nên đến nay ngôi miếu nằm rất gần mặt biển. Hôm chúng tôi đến tham quan có khá nhiều người dân đến cúng dường với trái cây, nhang đèn. Anh Thạch Khuôl, ngụ huyện Đông Hải, Bạc Liêu cho biết “…trước khi ra khơi hay khi trở về, chúng tôi thường đến đây cầu nguyện tránh rủi ro và đánh bắt được nhiều thủy sản…”.

 

Người dân đến hành lễ cầu may mắn, bình an tại miếu thờ bà Thủy Long ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.


Về việc cúng tiến, ông Châu Văn Sơn, Trưởng ban quản lý Miếu thờ cho biết thêm: hàng năm từ ngày 23 đến 24 tháng 3 âm lịch, nơi đây tổ chức cúng rất hoành tráng, thức cúng thường toàn là thức ăn chay, gồm: bánh tét, bánh ú, xôi, chè, trái cây… Số người tham gia lên đến hàng ngàn. Trong ngày này diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ như: Múa hát, ca cải lương, đờn ca tài tử, phát gạo cho người nghèo, khám chữa bệnh bằng thuốc nam miễn phí… Cạnh đó, nhiều tấm lòng vàng, nhất là dân hành nghề biển còn đến đây ủng hộ nhiều gạo, tiền, quà vật giúp đỡ bà con nghèo.

 

Mâm lễ vật người dân dâng cúng bà Thủy Long tại miếu thờ tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.


Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) được xem là kho báu thủy sản cả nước với hàng ngàn tàu đánh bắt. Việc tin tưởng vào sự giúp đỡ của Bà Thủy Long luôn được các ngư phủ và chủ tàu duy trì, tôn kính.


Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Năm, người giữ Miếu thờ hơn 11 năm qua thì trước đây miếu bà xây dựng tận ngoài của sông Cái, sau câu chuyện mang tính giai thoại rằng một số ngư dân đánh bắt thủy sản vô tình vớt được hài cốt và quần áo của bà vẫn còn nguyên vẹn. Họ bèn lập miếu thờ. Tuy nhiên do bến sông bị sạt lở nên ngư dân “thỉnh” bà về thờ chung trong khuôn viên lăng ông Nam Hải tướng quân (thờ cá voi). Cách đây khoảng 4 năm miếu bị hỏa hoạn, sau đó đã được trùng tu nâng cấp khang trang. Trước đây lệ cúng bà vào các ngày 15 và 16, hiện nay đã chuyển sang ngày 19 và 20 tháng 7 âm lịch. Nghi thức cúng bà gồm hát bội, múa bóng rỗi, đờn ca tài tử, các trò chơi dân gian…


Về thân thế công chúa thủy tề cũng có nhiều giai thoại khác nhau, nhưng người dân ở các tỉnh Nam Bộ khá quen thuộc với câu chuyện: Ngày xưa có một nàng công chúa xinh đẹp con của Thủy Tề một hôm hóa thành con cá bơi ngược dòng sông để du ngoạn. Chẳng may, cá mắc phải lưới của một người thuyền chài. Công chúa bị bắt, may có người con trai con ông thuyền chài cứu thoát. Từ ngày trở về cung điện, công chúa mắc bệnh tương tư. Vua cha là Long Vương tìm hiểu duyên cớ tác hợp nhân duyên, chàng và nàng sống giữa hòn đảo vắng vẻ, cách biệt đời sống dân gian. Một ngày kia, nàng đưa chồng cùng về thăm Thủy Cung rồi bặt tăm.


Còn một câu chuyện khác: Chầu Đệ Tam vốn là con gái Vua Thủy Tề, kết duyên cùng Kính Xuyên. Bị chồng hiểu lầm là tư thông cùng kẻ khác làm chuyện lăng loàn, bà bị bắt đóng cũi bỏ lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Ở nơi rừng núi, bà được muôn loài thú quý mến, giúp đỡ. Đến một ngày bà gặp được Liễu Nghị, vốn là thư sinh trên đường đi thi thì chẳng may bị lạc vào rừng. Biết chuyện, Liễu Nghị nguyện kết duyên cùng bà nhưng bà từ chối, sau đó lấy máu viết thư nhờ Liễu Nghị mang về đến chốn Long Cung để vua cha thấu sự tình. Vua cha tức giận, sai người đi bắt Kính Xuyên và Thảo Mai xử tội. Sau đó Chầu Đệ Tam được rước về Thoải Phủ, kết duyên cùng Liễu Nghị, người được giao cho chức Quốc Tế Thủy Quan.


Tuy còn nhiều câu chuyện có xuất xứ khác nhau, nhưng hầu hết ngư dân Nam Bộ rất xem trọng việc cúng bái Bà Thủy Long nhân các ngày lễ và trước lúc ra khơi xem đây là việc cầu mong sự yên lành trước lúc ra khơi, trúng luồng tôm cá, không gặp sóng to, gió lớn.


Bài và ảnh: Tam Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN