Theo ghi nhận của phóng viên, tượng đài 16/4 bị viết, vẽ chằng chịt bằng sơn xịt, bút xóa hoặc khắc bằng vật sắc nhọn với nhiều nội dung phản cảm, thể hiện tình cảm yêu đương trai gái, không phù hợp và làm ảnh hưởng nghiêm trọng mỹ quan tượng đài.
Chị Lê Thị Thu Thảo, du khách từ Lâm Đồng đến tham quan quần thể tượng đài 16/4 và Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận bày tỏ: Tượng đài vốn là nơi trang nghiêm nhưng nhiều người đã vô tư bôi, vẽ những hình trái tim, lời thề thốt yêu đương là không phù hợp, thậm chí phản cảm, đáng phê phán.
Tại khu vực tượng đài 16/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã treo thông báo quy định về bảo vệ trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan quần thể tượng đài và quy định xử lý người vi phạm. Tuy nhiên, hiện tượng trên vẫn diễn ra. Thêm vào đó, nhiều khu vực xung quanh tượng đài, rác thải không được thu dọn; một số chậu cây xanh trang trí không được chăm sóc đang chết dần; nhiều hạng mục, công trình phụ trợ đang bị xuống cấp.
Dự án tượng đài 16/4 được xây dựng trên diện tích 2.730 m2 với tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng, khánh thành vào ngày 16/4/2011 để chào mừng 36 năm giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Công trình bao gồm: Khối tượng đài và phù điêu cao 24,1m, rộng 15,5m, khán đài 500 chỗ ngồi, hệ thống đài phun nước, chiếu sáng, các phòng chức năng. Nơi đây được xem là công trình văn hóa lớn, ngoài ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang còn là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh Ninh Thuận.
Trước tình trạng tượng đài 16/4 đang bị xâm hại hình ảnh nghiêm trọng như hiện nay, người dân và khách du lịch mong muốn ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận cần sớm kiểm tra, có phương án xử lý để trả lại sự sạch đẹp, trang nghiêm của công trình, cũng như có phương án tối ưu trong việc quản lý, phát huy giá trị của quần thể tượng đài 16/4 một cách hiệu quả, bền vững.