Tượng Nhà mồ, một giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đang sắp biến mất. Đây là nhận định của rất nhiều nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về văn hóa tượng Nhà mồ các tỉnh Tây Nguyên.
Những năm trước đây, khi đến khu nghĩa địa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, chúng ta sẽ gặp rất nhiều những tượng gỗ với tên gọi quen thuộc: Tượng Nhà mồ. Đây là giá trị văn hóa độc đáo, rất riêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Nhà mô hình chim công tại khu nghĩa địa của các Gru (dũng sỹ săn voi), xã Krông Na, huyện Buôn Đôn |
Nghĩa địa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thường được bố trí ở những cánh rừng già khá thâm u, cùng với vô vàn tượng gỗ đủ hình thù, tư thế, khiến người ta có cảm giác như lạc vào ranh giới giữa thế giới thực tại và thế giới tâm linh. Tượng Nhà mồ được các nghệ nhân của đại ngàn làm ra để dùng cho lễ bỏ mả - cuộc chia tay tưng bừng cuối cùng giữa người sống và người chết, để tiễn những linh hồn về thế giới ông bà. Sau lễ bỏ mả, tượng Nhà mồ cũng nằm lại nghĩa địa cùng thời gian, mưa nắng. Quần thể tượng mô tả sự hình thành, ra đời và lớn lên của một đời người với đủ các cảnh sinh hoạt và các mối quan hệ của con người.
Tuy nhiên, những cảnh bi hùng đặc chất “liêu trai” ấy giờ gần như chỉ còn trong ký ức, Tượng nhà mồ đã từng ngày biến mất trong đời sống của người dân Tây Nguyên.
Ở Đắk Lắk, nhiều khu nghĩa địa trước đây là cả một quần thể tượng Nhà mồ độc đáo, nhưng đến nay hầu hết đều bị kẻ gian lấy cắp. Cụ thể như vụ hàng chục bức tượng Nhà mồ ở một khu nghĩa địa nổi tiếng ở huyện Buôn Đôn bị “bốc hơi” trong một đêm. Già làng Ma H’Trinh – buôn Yang Lành, huyện Buôn Đôn cho biết: Trước đây, ở vùng này có cả trăm người biết đẽo tượng Nhà mồ. Mỗi lần các gia đình làm Lễ bỏ mả thì người ta đẽo hàng chục, thậm chí hàng trăm tượng Nhà mồ. Nhưng nay thì cả mấy buôn quanh đây chỉ còn dăm người biết đẽo tượng thành thạo, họ đều đã “mắt mờ, tay run” hết cả, không cầm nổi cái rìu để đẽo tượng nữa. Cũng theo già làng Ma H’Trinh, trong buôn có vài cậu thanh niên biết đẽo tượng, “nhưng cái tượng chúng nó đẽo kỹ quá, nhìn mãi mà không giống cái tượng cũ, không có hồn” – già Ma H’Trinh thở dài. Một chuyên gia nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cho rằng, chính sự dịch chuyển từ bức tượng theo khuôn mẫu truyền thống thành những bức tượng được gọt đẽo trơn tru, đã làm cho cái triết lý nhân sinh về ý niệm sinh thành bị mất đi. Thay vào đó, những bức tượng ngày nay giống những người hầu đi theo hầu người chết hơn. Điều này khiến những bức tượng Nhà mồ mới ngày càng mất đi những nét trầm tư, mộc mạc gợi tả của những bức tượng truyền thống.
Một nguyên nhân khác khiến tượng Nhà mồ ngày càng thưa vắng, đó là vật liệu để đẽo tượng (các loại gỗ được chọn là cà chít, căm xe…) đã trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, hiện nay ở các khu nghĩa địa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, những ngôi mộ xây bằng bê tông cốt thép theo kiểu người Kinh đang thay thế nhà mồ truyền thống; vậy nên nghề đẽo tượng Nhà mồ dần dần mai một. Sự chuyển dịch về tín ngưỡng, tâm linh cũng khiến những bức tượng Nhà mồ ngày càng trở nên xa lạ trong đời sống đồng bào.
Đối với đồng bào Tây Nguyên, tượng Nhà mồ được làm ra chỉ để phục vụ Lễ bỏ mả, sau đó những bức tượng đó được bỏ lại nghĩa địa. Qua thời gian cùng nắng mưa, những bức tượng đó sẽ bị hư hỏng, tan biến, trở thành cát bụi hòa lẫn vào đất mẹ. Trong khi đó, do không được bổ sung mới nên tượng Nhà mồ ngày càng vắng bóng tại các nghĩa địa của đồng bào địa phương (thật đau xót khi chứng kiến) một di sản văn hóa độc đáo đang dần biến mất. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để bảo tồn được nét văn hóa đặc sắc này.
Bài và ảnh: Việt Dũng