Sáng nay 1/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), “Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số học giỏi năm 2014” đã được Ủy ban Dân tộc và TTXVN tổ chức; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo.Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu và chỉ đạo tại Lễ tuyên dương. |
Ý nghĩa thiết thực
Đây là hoạt động có ý nghĩa động viên, khích lệ các em học sinh, sinh viên không ngừng học tập và rèn luyện, phấn đấu trở thành những nhân tài cống hiến xây dựng đất nước, đặc biệt là miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Năm nay, có 111 em học sinh DTTS tiêu biểu được tuyên dương lần này. Bên cạnh Lễ tuyên dương, các em sẽ được tiếp kiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Cũng trong lễ tuyên dương, 45 em học sinh DTTS đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trở lên và đỗ thủ khoa, đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014 được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn trao phần thưởng cho các em. |
Phát biểu khai mạc Lễ tuyên dương, đồng chí Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: Việc biểu dương các em là một hoạt động cần thiết và ý nghĩa, là nguồn động viên, cổ vũ các em tiếp tục vươn lên trong học tập và rèn luyện. Đây cũng là dịp để các em học sinh DTTS được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong học tập tiếp tục phát huy thành tích học tập tốt, phấn đấu thành những nhân tài cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng. Đồng thời, cũng là để khích lệ đông đảo các em học sinh vùng DTTS noi theo. Ngoài ra, Lễ tuyên dương còn mang một ý nghĩa góp phần đắc lực cho công tác đào tạo nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
“Những năm gần đây số lượng học sinh giỏi, thi đỗ và được tuyển thẳng vào đại học hoặc đạt giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế là con em DTTS mỗi năm tăng lên. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng đối với việc phát triển nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi trong tương lai”, đồng chí Nông Quốc Tuấn cho biết.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Duy Truyền trao hoa cho các em. |
Xây dựng chính sách đào tạo phù hợp
Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn cũng cho biết thêm: Với vai trò là cơ quan tham mưu, quản lý Nhà nước trong việc thực hiện, xây dựng, hoạch định chính sách dân tộc, công tác dân tộc, trong những năm qua, Ủy ban Dân tộc đã nghiên cứu tham mưu, đề xuất nhiều chính sách, giải pháp phù hợp để vùng miền núi, dân tộc phát triển bền vững, trong đó có chính sách về đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các chính sách hiện hành nhằm tập trung nguồn lực cho công tác phát triển nguồn nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có học sinh, sinh viên. Rà soát, kiến nghị sửa đổi những bất cập trong chính sách cử tuyển, dự bị đại học nhằm đáp ứng được số lượng và chất lượng đào tạo đa ngành nghề cho nhu cầu của các địa phương vùng dân tộc thiểu số.
Các em học sinh, sinh viên giỏi tại buổi Lễ. |
Các cấp, ngành phải cùng vào cuộc
Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá: Các học sinh, sinh viên được tuyên dương là những tinh hoa của đất nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Đây là sự cố gắng rất lớn của các em, phụ huynh và các thầy cô giáo vùng cao, để tạo nguồn nhân lực tốt để xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững đất nước, từ đó, vươn lên trong khu vực và quốc tế.
Để tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc học tập của các em học sinh dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng đề nghị:Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các chính sách về giáo dục đào tạo, để tạo điều kiện tốt hơn nữa phát triển giáo dục dân tộc thiểu số và miền núi; nhân rộng hiệu quả của các mô hình giáo dục, điều kiện học tập của các em... làm thế nào đó chúng ta phải hỗ trợ để các em có thể được đi học chứ không thể vì khó khăn mà không được đi học; Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa để đảm bảo được đời sống tương đối đầy đủ cho các thầy, cô giáo để họ tiếp tục cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục; đồng thời, chính quyền các địa cũng cần quan tâm hơn nữa đến điều kiện học tập của các em như: Cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy và học, vận động được các em đến trường, tạo điều kiện cho các em đi học. Chính quyền địa phương cũng phải coi đây là một nhiệm vụ quan trọng và lâu dài.
Nhóm phóng viên