Ukraine đối mặt thử thách “kép”

Phe đối lập ở Ukraine đã thành công trong tiếm quyền ở thủ đô Kiev sau khi lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych. Nhưng trước mắt họ không phải là một tương lai “toàn màu hồng” khi phải đối mặt với cả khủng hoảng chính trị và khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, Nga tuyên bố sẽ không can thiệp vào nội bộ Ukraine.


Xử lý cuộc “khủng hoảng kép”


Một trong những lo ngại lớn của chính phủ lâm thời Ukraine là nguy cơ quốc gia này bị chia tách. Nhà lãnh đạo tạm quyền Alexandr Turchinov ngày 25/2 đã cảnh báo trước quốc hội về những dấu hiệu nguy hiểm của chủ nghĩa ly khai và lo ngại các khu vực thân Nga ở phía đông có thể vận động ly khai. Ông này cho biết sẽ tham vấn với lực lượng an ninh về vấn đề trên, đồng thời nhấn mạnh cần phải nhanh chóng “khoanh vùng” những khu vực này. Tuy nhiên, ông không nói rõ chi tiết là “khoanh vùng” chỗ nào.

Toàn cảnh phiên họp quốc hội tại thủ đô Kiev ngày 24/2.


Cũng trong bài phát biểu trước quốc hội, ông Turchinov khẳng định một chính phủ thống nhất quốc gia sẽ được thành lập và chuẩn y vào ngày 27/2. Ủy ban Bầu cử Quốc gia Ukraine (CEC) cũng đã bắt đầu nhận đơn đăng kí tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn dự định được tổ chức vào ngày 25/5 tới. Mọi ứng viên đủ tiêu chuẩn đều có thể nộp đơn lên CEC cùng số tiền bảo lãnh gần 280.000 USD trước hạn chót 4/4. Tiến trình vận động tranh cử sẽ kéo dài từ 20/4 - 23/5.


Khôi phục nền kinh tế kiệt quệ hiện được xem là thách thức lớn nhất đối giới lãnh đạo lâm thời Ukraine. Thủ tướng tạm quyền Serhiy Arbuzov thừa nhận, trong tình cảnh ngân sách cạn kiệt, đồng nội tệ mất giá, Ukraine có thể sẽ phải đối mặt với một tương lai mà trong đó “các nhà máy, xí nghiệp ngừng hoạt động, người dân không có lương, Nhà nước không có đủ tiền để trang trải những nhu cầu xã hội tối thiểu”. Theo tính toán sơ bộ, Ukraine cần một khoản lên đến 35 tỉ USD trong hai năm để đưa nền kinh tế phục hồi, phát triển. Ông Arbuzov nhìn nhận, một ưu tiên trọng tâm hiện nay là khởi động lại tiến trình đàm phán với Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) về trợ giúp tài chính, cùng với đó là việc triển khai thỏa thuận đã ký với Nga về gói hỗ trợ 15 tỉ USD.


Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi mà IMF đặt ra nhiều điều kiện ngặt nghèo về bỏ trợ giá khí đốt, cắt giảm chi tiêu công, chống tham nhũng... Trong khi đó, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Alexey Ulyukaev thì nói rằng việc triển khai gói 15 tỉ USD hiện chưa rõ ràng, còn phụ thuộc vào đối tác ở Ukraine.


Nga sẽ không can thiệp


Nga ngày 25/2 cam kết sẽ không can thiệp vào cuộc khủng hoảng của nước láng giềng Ukraine, đồng thời cho rằng không nên buộc Ukraine phải chọn Nga hay phương Tây vì điều này nguy hiểm và phản tác dụng. Nga muốn Ukraine là “một phần của gia đình xuyên châu Âu”. Ngoại trưởng Lavrov hi vọng các bên cũng có chung quan điểm không can thiệp như Nga.


Tuy nhiên, ông Lavrov cho rằng bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới ở Ukraine là hành động vội vã vì nó vi phạm thỏa thuận mà Tổng thống Viktor Yanukovych và phe đối lập đã đạt được hôm 21/2.


Phát biểu của ông Sergei được nhận định là mềm mỏng hơn so với bình luận được đưa ra trước đó của Bộ Ngoại giao và Thủ tướng Dmitry Medvedev. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn giữ im lặng về các chính biến ở Ukraine.


Về phần các nước phương Tây, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã công nhận chính phủ mới ở Ukraine, xem đây là một chính quyền hợp pháp. Ngày 24/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, EU sẵn sàng kí kết Hiệp định liên kết kinh tế với Ukraine vốn bị ngưng lại hồi tháng 11/2013, hỗ trợ Ukraine vượt qua thời kì khó khăn nhất. Cùng lúc, trong cuộc gặp với ba thủ lĩnh đối lập tại Kiev, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, cam kết EU sẽ dành cho Ukraine sự trợ giúp “to lớn” ngay sau khi chính phủ mới được thành lập. Quan chức này cũng không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của mối liên kết bền chặt giữa Ukraine và Nga.


Bên kia bờ Đại Tây Dương, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho chính quyền Ukraine.


Trước diễn biến mới ở Ukraine, giới phân tích nhận định, dù đặt ưu tiên hội nhập với EU, nhưng chính phủ mới ở Ukraine sẽ không thể bỏ qua vai trò của Nga. Nói như Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn, “mối quan hệ hợp tác bền chặt với cả EU và Nga là con đường duy nhất giúp tạo lập bình thường hóa và ổn định ở Ukraine”.

 

Hoài Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN