Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội: Công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt hiện nay chủ yếu là chôn lấp, chiếm từ 73 - 81% do giá thành thấp, thời gian xây dựng nhanh. Tuy nhiên, công nghệ này cần nhiều đất đai, bao gồm cả khu vực xử lý và khoảng cách ly vệ sinh.
Một số công nghệ xử lý do Việt Nam nghiên cứu chế tạo hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm. Công nghệ xử lý thành mùn hữu cơ, sản xuất phân chiếm khoảng 7%, được áp dụng tại nhà máy chế biến rác thành phân Cầu Diễn và Kiêu Kỵ. Công nghệ đốt chiếm tỷ lệ 2,6% được áp dụng tại nhà máy xử lý rác thải Seraphin Sơn Tây.
Trong chiến lược quy hoạch rác thải, Hà Nội sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại, chủ yếu là tái chế chất vô cơ, hữu cơ. Trong đó đáng chú ý là công nghệ ủ sinh học với CTR hữu cơ chế biến phân vi sinh. CTR được tập trung về nhà máy nếu chưa phân loại triệt để tại nguồn sẽ tái phân loại ra các thành phần khác để tái sử dụng, tái chế hoặc chôn lấp. Công nghệ sản xuất phân vi sinh yêu cầu quy mô diện tích không nhiều, vận hành đơn giản, bảo dưỡng dễ dàng, dễ kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đây là công nghệ mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường cao, tận dụng được CTR hữu cơ trong rác thải sinh hoạt để sản xuất phân vi sinh phục vụ nông nghiệp và trồng cây xanh đô thị.