Viện trưởng có thể cho biết về những kết quả quan trọng của chương trình tiêm chủng mở rộng trên cả nước thời gian qua?
Năm 2015 là năm thứ 10 Việt Nam duy trì loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước.
Nhờ triển khai vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và nữ tuổi sinh đẻ liên tục từ 1993 đến nay, số ca mắc uốn ván sơ sinh đã giảm từ 334 ca và 225 ca tử vong (năm 1991) xuống 47 ca mắc và 17 ca tử vong trong năm 2015.
Năm 2015 cũng đánh dấu việc hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella cho nhóm 1-14 tuổi trên toàn quốc với gần 20 triệu trẻ từ 1 - 14 tuổi được tiêm vắc xin sởi-rubella, đạt tỷ lệ 98,2%; trong đó 99,9% số xã, phường đạt tỷ lệ trên 95%. Tháng 6/2015, vắc xin viêm não Nhật Bản được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên thay cho hình thức triển khai chiến dịch nhằm tạo miễn dịch phòng bệnh sớm nhất cho trẻ.
Đồng thời, công tác an toàn tiêm chủng được tăng cường. Hệ thống dây chuyền lạnh tại các tuyến được trang bị thêm tủ lạnh và thiết bị theo dõi nhiệt độ tự động. Hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng được củng cố. Các trường hợp phản ứng được điều tra sớm và được Hội đồng chuyên môn tuyến tỉnh đánh giá nguyên nhân, thông báo sớm đến cộng đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông đại chúng được triển khai dưới nhiều hình thức.
Công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã được triển khai trên 30 năm với tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em và phụ nữ đã đạt và duy trì trên 90% trên qui mô toàn quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều ở tất cả các vùng. Hàng năm vẫn còn khoảng 5-10% số huyện có tỷ lệ tiêm chủng dưới 90%, tập trung tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh rào cản về địa lý và giao thông thì phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, điều kiện kinh tế hạn chế cũng là những thách thức lớn.
Để nâng cao tỷ lệ và chất lượng tiêm chủng tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, chương trình Tiêm chủng mở rộng đã triển khai những hoạt động gì, thưa ông?
Tại các vùng này, chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức tiêm chủng thường xuyên thay thế cho tiêm chủng định kỳ. Dự án tiêm chủng mở rộng luôn dành sự ưu tiên cho các tỉnh miền núi, khó khăn từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm để bổ sung dây chuyền lạnh, hỗ trợ công tiêm, hỗ trợ kinh phí vận chuyển và bảo quản vắc xin... Trong năm 2015, sự ra đời của Thông tư liên tịch 117/TTLT-BTC-BYT đã đánh dấu một bước trong việc ưu tiên đầu tư cho địa phương, thu hút nguồn lực đầu tư từ chính quyền các cấp. Theo đó, với mỗi trẻ tiêm chủng đầy đủ tại các địa phương miền núi, vùng sâu, cán bộ y tế được hưởng 24.000 đồng, mức chi tăng gấp đôi so với trước đó.
Trong thời gian qua, Dự án tiêm chủng mở rộng cũng đã vận động các tổ chức quốc tế có những hỗ trợ tăng cường tỷ lệ tiêm chủng vùng khó khăn tại các tỉnh miền núi như Gia Lai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... để tổ chức tiêm chủng ngoài trạm, tăng khả năng tiếp cận cho các đối tượng trẻ em và phụ nữ với dịch vụ tiêm chủng. Dự án tiêm chủng đang đề xuất các tổ chức quốc tế hỗ trợ các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để triển khai đồng bộ các hoạt động tăng cường tỷ lệ tiêm chủng trong giai đoạn từ 2017-2019. Song song với đó, hàng năm các địa phương cũng rà soát lại để phát hiện các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp, kịp thời hỗ trợ nhằm duy trì tỷ lệ tiêm chủng trên qui mô huyện. Đây là một trong những thách thức lớn, đòi hỏi sự đầu tư lớn, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và sự nỗ lực không biết mệt mỏi của cán bộ y tế các tuyến.
Bên cạnh khó khăn về việc thu hẹp khoảng cách tiêm chủng giữa các vùng miền thì công tác tiêm chủng mở rộng còn gặp những thách thức gì thưa ông?
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công nhưng trong năm 2015 chương trình Tiêm chủng mở rộng vẫn còn nhiều thách thức.
Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu năm 2015 đạt 69,8% cao hơn năm 2014 (55,4%) nhưng tại một số tỉnh, thành phố vẫn ở mức thấp dưới 50%. Đây tiếp tục là vấn đề cần ưu tiên để có thể đạt tới mục tiêu giảm tỷ lệ mắc viêm gan B sơ sinh cho trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% vào năm 2017. Ảnh hưởng của một số phản ứng nặng sau tiêm chủng gây ra tâm lý lo ngại cho các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng nên việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em và phụ nữ còn gặp khó khăn. Tâm lý chờ đợi vắc xin dịch vụ tại một số thành phố lớn khiến cho nhiều trẻ không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch làm tăng nguy cơ mắc bệnh và xảy dịch trên quy mô nhỏ. Đây là một trong những thách thức đòi hỏi công tác tiêm chủng, phải có những ưu tiên, đầu tư trong năm 2016.
Việc bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh còn gặp nhiều thách thức. Nguy cơ dịch bại liệt xâm nhập từ các nước xung quanh còn hiện hữu. Công tác giám sát bệnh ở các địa phương cần được tăng cường hơn nữa.
Bên cạnh đó, kinh phí cho chương trình Tiêm chủng mở rộng không ngừng được Nhà nước và Bộ Y tế tăng lên hàng năm song mới chỉ đáp ứng đủ cho nhu cầu vắc xin và vật tư tiêm chủng. Kinh phí cho hoạt động truyền thông, giám sát bệnh, bảo dưỡng và bổ sung thay thế dây chuyền lạnh còn hạn chế. Kinh phí hỗ trợ của các địa phương cho hoạt động tiêm chủng mở rộng mới chỉ tập trung ở một số tỉnh/thành phố có điều kiện và thường chỉ có trong các “chiến dịch” tiêm chủng. Viện trợ Quốc tế đã và đang có xu hướng giảm dần sau khi Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình.
Ông có thể cho biết hoạt động trọng tâm của công tác tiêm chủng mở rộng năm 2016?
Trong năm 2016, bên cạnh các hoạt động trong tiêm chủng thường xuyên, chương trình Tiêm chủng mở rộng tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh; ưu tiên đầu tư nhằm tăng cường tỷ lệ, chất lượng tiêm chủng tại những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa; tăng tỷ lệ tiêm vắc xin viêm B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ nhằm đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào 2017.
Đặc biệt, chương trình Tiêm chủng mở rộng tiếp tục tăng cường các hoạt động nhằm đạt mục tiêu loại trừ sởi trong thời gian tới; duy trì tỷ lệ cao vắc xin sởi và vắc xin sởi-rubella cho trẻ em trong tiêm chủng thường xuyên; tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho đối tượng 16-17 tuổi trên toàn quốc; tăng cường công tác giám sát bệnh để phát hiện và đáp ứng kịp thời, khống chế không để dịch lây lan.
Thực hiện mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã triển khai hoạt động uống bổ sung vắc xin bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi tại 119 huyện của 19 tỉnh nguy cơ cao trong tháng 3-4/2016. Đây là các tỉnh giáp ranh, giáp biên giới, có cửa khẩu, di biến động dân cư phức tạp... Thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tháng 5/2016 Việt Nam sẽ cùng với các quốc gia thực hiện chuyển đổi từ vắc xin bại liệt 3 tuýp sang sử dụng vắc xin 2 tuýp (bOPV) để hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu...
Trân trọng cảm ơn Viện trưởng!