Thời gian gần đây, nhiều ý kiến bàn về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa truyền thống đã được đề cập. Các nhà khoa học và quản lý cho rằng cần bảo vệ tính nguyên gốc của di sản văn hóa, số khác lại cho rằng cần phải bảo tồn theo hướng phát triển. Nhiều ý kiến bàn về vai trò của cộng đồng, vai trò của chủ thể trong việc bảo tồn và phát huy di sản.
Không gian diễn tấu cồng chiêng ngày càng thu hẹpNói đến văn hóa Tây Nguyên, nhiều người liên tưởng đến một số nét văn hóa độc đáo như nhà rông, nhà dài của đồng bào dân tộc thiểu số, văn hóa cồng chiêng, văn hóa lễ hội, văn hóa sử thi… Nói chung, đó là những di sản văn hóa truyền thống dân tộc Tây Nguyên vô cùng quý báu, vô cùng phong phú và đặc sắc. Di sản ấy ông cha ta để lại là rất lớn. Đó là nguồn dồi dào cho hôm nay và cả thế hệ mai sau.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương V (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, hiện nay hầu hết các buôn, làng đồng bào dân tộc đã xây dựng nhà rông cho làng mình. Tuy nhiên, toàn bộ chỉ là nhà rông bằng xi măng, cốt thép không phù hợp với nhà truyền thống của đồng bào. Cho nên, bên cạnh nỗi mừng vui còn có nỗi buồn nuối tiếc. Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; tuy nhiên, vấn đề bảo tồn, phát huy loại âm nhạc cổ truyền này đang gặp phải một số khó khăn như: Không gian diễn tấu cồng chiêng ngày càng thu hẹp lại, nhạc cụ cồng chiêng ngày càng hiếm hoi. Ý thức bảo tồn gìn giữ và phát huy của người dân chưa cao, thiếu lớp người kế thừa… Do vậy, tôi đề nghị các cấp chính quyền, các ngành chức năng cho thành lập xưởng chế tác cồng chiêng ngay tại Tây Nguyên, quan tâm hơn nữa trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ đánh cồng chiêng, thường xuyên tổ chức các lễ hội để có không gian tổ chức các diễn tấu cồng chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đề nghị các cấp thẩm quyền tạo điều kiện bảo tồn nhà rông, nhà sàn truyền thống để con cháu sau này không bị lãng quên.
Ông A Jar, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum
Nhà rông là một không gian linh thiêngĐối với đồng bào Bana, nhà rông rất quan trọng. Theo quan niệm của người Bana, nếu làng không có nhà rông thì làng đó coi là làng đàn bà. Nhà rông trong quan niệm của đồng bào Bana là một không gian linh thiêng, chỉ có con trai từ 14 tuổi trở lên mới được ngủ qua đêm trong nhà rông. Do vậy, đã là con trai Bana thì ai cũng phải biết đánh cồng, chiêng và làm nhà rông, nên việc xây dựng nhà rông ở Kon Rbàng đã có từ rất lâu.
Theo già A Wer dân tộc Bana (người đứng), nếu làng không có nhà rông thì làng đó coi là làng đàn bà. |
Năm 1930, dân làng Kon Rbàng bắt đầu dựng nhà rồng đầu tiên, nhưng nhà rông đó nhỏ hơn nhà rông bây giờ. Ngày đó để làm được một nhà rông rất vất vả do người dân thiếu kinh nghiệm, nhà nhỏ với diện tích sử dụng chỉ khoảng 25m2, chiều dài 9 m, rộng 3,5 m, gian giữa 4m30cm, chiều cao từ mặt đất lên nóc nhà 10 m. Đến năm 1940, khi dân số phát triển, trước những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và những cuộc họp của làng nên các già làng, thôn trưởng đã họp bàn cần xây dựng nhà rông lớn hơn.
Già A Wer dân tộc Bana, làng Kon Rbàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum (Kon Tum)
Cần chính sách bảo tồn Tại cuộc Tọa đàm khoa học "Văn hóa với phát triển bền vững Tây Nguyên" vừa được Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích và cho rằng văn hóa Tây Nguyên là một nền văn hóa đa dạng, đặc sắc như: Văn hóa cồng chiêng, văn hóa phục trang, văn hóa lễ hội, văn hóa rừng… Tuy nhiên, văn hóa Tây Nguyên đang ngày càng bị thu hẹp và mai một.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của tỉnh Kon Tum, năm 1999, số nhà rông cộng đồng ở các buôn, làng chỉ còn 300 ngôi và còn rất ít nhà có thể sử dụng được, vì đang xuống cấp nghiêm trọng. |
Theo tiến sỹ Buôn Krông Tuyết Nhung (Trường đại học Tây Nguyên), nhà văn I Điêng (tỉnh Phú Yên), thạc sỹ Nguyễn Hoài Sơn - Chủ tịch liên hiệp hội tỉnh Phú Yên, nguyên nhân của tình trạng này là diện tích rừng ngày càng bị tàn phá, thu hẹp và không được đưa vào giảng dạy trong trường học. Mặt khác, một phần văn hóa Tây Nguyên đang bị thương mại hóa do kinh tế khó khăn nên một số bà con đã bán cồng chiêng, khung cửi; cơ cấu sản xuất thay đổi kéo theo sự thay đổi của văn hóa. Bên cạnh đó, sự biến động dân số cũng là một nguyên nhân làm cho văn hóa Tây Nguyên bị thu hẹp và mai một. Hiện nay, Tây Nguyên chỉ còn khoảng 23,5% người bản địa sinh sống.
Các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị các cơ quan chức năng cần có chính sách bảo tồn và phát triển nền văn hóa Tây Nguyên, bảo vệ và phát triển diện tích rừng; đưa văn hóa Tây Nguyên vào trong giáo dục để truyền dạy cho thế hệ trẻ...
Nơi hoạt động văn hóa tập thểNhà rông là ngôi nhà chung, là không gian thiêng của cộng đồng dân tộc Bana. Người Tây Nguyên có tín ngưỡng đa thần giáo, họ cho rằng mọi vật luôn có Yàng (Trời) chế ngự, trong những ngôi nhà rông cũng có Yàng chú ngụ, nên họ chăm sóc nhà rông như nhà ở của mình. Nhà rông còn là nơi diễn ra tất cả các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, là nơi sinh hoạt cộng đồng, biểu thị sức mạnh của cộng đồng. Người Bana quan niệm: Nơi nào nhà rông càng to, cao, đẹp thì đó là buôn làng giàu có và thịnh vượng. Chính là nơi diễn ra sinh hoạt đời thường của đồng bào, nên nhà rông luôn được thanh niên trong buôn, làng chọn làm nơi giao lưu, tập đánh chiêng, đánh trống, ngủ đêm, đan lát... Đây còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tập thể, là nơi trực của thanh niên bảo vệ buôn, làng.
Những năm 1980 trở về trước các buôn, làng ở Kon Tum, nhà rông được dựng rất nhiều, nhưng nay nhà rông đang dần mai một. Nguyên nhân là nhận thức của người dân đã thay đổi, họ không còn quá tin ở tín ngưỡng, ý thức của người dân và chính quyền ít coi trọng bảo vệ các thiết chế văn hóa, nhất là yếu tố đô thị hóa đã làm thay đổi diện mạo buôn, làng. Quá trình giãn dân, tách hộ, lập vườn để xây nhà ở nhiều, nên không còn những diện tích rộng để dựng nhà rông chung của cộng đồng. Đặc biệt là sự can thiệp của chính quyền địa phương, ít có sự đầu tư và khi đầu tư dựng nhà rông lại mang tính áp đặt, nhiều nhà rông làm bằng xi măng, không còn mang tính truyền thống. Kết cấu vật chất nhà rông thay đổi nhiều, nay chỉ còn 40% nhà rông được làm bằng tranh, tre, lứa, lá; 60% nhà rông được làm bằng bê tông, lợp mái tôn và nó biến thành những hội trường, tính truyền thống của không gian thiêng đang mất dần đi. Mặt khác, việc tìm nguyên, vật liệu như tranh, tre, gỗ để dựng nhà rông truyền thống khó khăn nên nhà rông Tây Nguyên đang có xu hướng giảm dần về số lượng.
Ông Bùi Ngọc Quang, cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Chú trọng nguyên tắc “bảo tồn sống”Tôi đề nghị cần nâng cao vai trò quản lý, định hướng của Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, gắn hoạt động văn hóa dân tộc trong công tác xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, cần chú trọng đến nguyên tắc “bảo tồn sống” tức là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Có chính sách, chế độ thỏa đáng cho các nghệ nhân tài giỏi, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn tài sản văn hóa dân tộc.
Thực hiện tốt việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại các địa phương vùng Tây Nguyên một cách khoa học, có hệ thống thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống di sản văn hóa nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị, sức sống của từng loại di sản văn hóa trong cộng đồng trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả…
Thạc sĩ Phan Văn Hoàng, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Kon Tum
Viết Tôn - Huy Quang