Nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc Mông tại các xã rẻo cao Pú Hồng, Phình Giàng, Phì Nhừ, Nong U, Sa Dung, Chiềng Sơ, Pú Nhi, Tìa Dình… là thách thức đối với các cấp chính quyền địa phương.
Con đường bê tông vừa đủ hai lối đi, xẻ dọc bản Chóp Ly (xã Keo Lôm) càng lúc càng lên cao, bỏ lại sau lưng, dưới chân núi là những ngôi nhà trệt thưng gỗ nằm quần tụ, san sát nhau như những chiếc bát úp. Bản Chóp Ly có hơn 60 hộ đều là người dân tộc Mông, trong đó có đến hơn 40 hộ nghèo, cận nghèo.
Từ tháng 7/2013 đến cuối năm 2015, xã Keo Lôm có gần 30 cặp kết hôn thì 15 cặp tảo hôn. Anh Thào A Hù (sinh năm 1998) và vợ là Giàn Thị Chứ (sinh năm 1999) nên vợ nên chồng năm 2015. Thào A Hù là con thứ 2 trong gia đình, chị gái đã lấy chồng và em trai cũng đã lấy vợ.
Mặc dù đã lấy vợ nhưng do điều kiện kinh tế chưa cho phép nên gia đình Hù, gia đình em trai của Hù chưa thể tách hộ ra ở riêng. Bởi vậy, căn nhà gỗ được dựng theo lối truyền thống người Mông của chị Giàng Thị Nú trở thành nơi sinh sống, cư ngụ của 3 gia đình, gần 10 nhân khẩu từ nhiều năm qua.
Thào A Hù kể, yêu nhau được 3 năm thì gia đình Hù làm lễ với bản đưa Chứ về làm vợ. Khi đó, Hù mới vào học lớp 10 được nửa tháng. Sau khi lấy vợ, Hù phải từ bỏ trường, lớp để lo cuộc sống gia đình. Giờ đây, hơn ai hết Hù là người cảm nhận rõ sự vất vả, khó khăn của cuộc sống gia đình khi con trai đầu lòng tên Thào A Minh mới sinh được hơn 1 tháng tuổi.
Theo anh Thào A Chừ, cán bộ xã Keo Lôm cắm bản Chóp Ly, trai, gái bản Chóp Ly thường lấy nhau ở độ tuổi 16 đến 18 tuổi. Xã, bản và bên trợ giúp pháp lý cũng tuyên truyền nhiều rồi nhưng một số người không nghe. Chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn nhưng họ cứ lấy nhau rồi chờ khi nào đủ tuổi mới đăng ký.
Anh Vàng A Hờ, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Tình trạng tảo hôn trên địa bàn những năm gần đây tuy có giảm nhưng không nhiều. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do nhận thức của người dân còn “nông”, trai gái yêu nhau hay sợ “tuột tay” nên lấy ngay. Cùng với đó, do muốn có thêm người, thêm nhân lực làm nương rẫy nên trai, gái thường lấy nhau sớm.
Với mục tiêu bảo tồn, phát huy có chọn lọc những nghi thức, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông nói riêng; cải tiến, đổi mới và loại bỏ dần những quan điểm lệch lạc và nghi thức, thủ tục lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tháng 7/2013 Huyện ủy Điện Biên Đông đã ban hành đề án “Vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang giai đoạn 2013-2015”.
Trong đó, đề án hướng đến việc “xóa bỏ tục cướp vợ”, nghiêm cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Cuối năm 2013, đề án được triển khai thí điểm tại một số xã, trong hai năm 2014 và 2015 triển khai trên quy mô toàn huyện, gồm 11 xã với 122 bản.
Tổng kết đề án, trong việc cưới tuy có nhiều chuyển biến khi loại bỏ được một số hủ tục, giữ lại những nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc, nhưng tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc Mông vẫn diễn ra. Từ năm 2013 đến năm 2015, toàn huyện Điện Biên Đông có 172/488 đám cưới tảo hôn.
Ông Vàng A Hờ, Phó Chủ tịch UBDN huyện Điện Biên Đông cho biết: Trên cơ sở kết quả đề án “Vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang giai đoạn 2013-2015”, trong những năm tiếp theo, huyện Điện Biên Đông tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt nội dung đề án tại các địa bàn dân cư; phát huy vai trò gương mẫu, nòng cốt của những người có uy tín, trưởng dòng họ, già làng, trưởng bản… trong việc tuyên truyền, giáo dục con cháu, gia đình và dòng họ thực hiện đề án ngay tại địa bàn sinh sống.
Cùng với đó, các tổ chức Đảng ở cơ sở tiếp tục lãnh đạo xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới. Địa phương nào còn có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền ở địa phương đó không được xếp loại “trong sạch, vững mạnh”…