Giá vàng giảm sau khi biên bản cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã cân nhắc việc điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất trong năm 2016.
Giá vàng giao ngay tăng 0,6%, lên 1.207,46 USD/ounce vào lúc 7 giờ 48 phút sáng theo giờ Việt Nam, trong khi giá vàng của Mỹ giao tháng Tư tăng 0,3%, lên 1.211,4 USD/ounce. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế trước sự phục hồi của chứng khoán toàn cầu.
Theo biên bản cuộc họp của FED, nếu tình hình tài chính toàn cầu duy trì tình trạng thắt chặt gần đây, đó có thể là yếu tố làm tăng rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ.
Theo Giám đốc và là nhà kinh tế tại CIBC Capital Markets (có trụ sở tại Toronto), Royce Mendes, Fed sẽ không thể nâng lãi suất cho đến cuối năm nay.
Giám đốc phụ trách giao dịch các kim loại quý và kim loại cơ bản của BMO Capital Markets (New York), Tai Wong, cho rằng ngay cả những người nhận thấy lãi suất là quá thấp để có thể phản ứng hiệu quả trước các cú sốc suy giảm cũng đồng ý rằng cần phải chờ đợi thêm. Ông cũng nhận định FED sẽ chưa hành động ít nhất là cho đến tháng Sáu và sẽ không có gì ngăn cản vàng tiếp tục lên giá.
Khả năng lãi suất tại Mỹ sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Lãi suất siêu thấp, từ đó làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng, là yếu tố chính giúp giá vàng đạt các mức cao kỷ lục vào năm 2011.
* Giá dầu đảo chiều tăng sau cuộc đàm phán giữa các "đại gia" dầu mỏ tại Tehran
Giá dầu thế giới đảo chiều tăng trong phiên giao dịch ngày 17/2, sau khi thị trường tiếp nhận thông tin cho hay Iran vừa tham gia các cuộc đàm phán với một số nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nhằm kiềm chế đà đi xuống của giá "vàng đen". Mặc dù vậy, Tehran vẫn đả động gì tới một cam kết tự cắt giảm sản lượng từ chính nước này.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 3/2016 tăng 1,62 USD, lên 30,66 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tiến thêm 2,32 USD, lên 34,50 USD/thùng.
Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Zanganeh và đại diện của một số nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Tehran ngày 17/2 nhằm thuyết phục nước chủ nhà tham gia một thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu để cứu vãn giá thành của mặt hàng này. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao thuộc Bộ Dầu khí Iran, quốc gia Hồi giáo này vẫn không có ý định cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ mà thay vào đó sẽ tiếp tục tăng cường xuất khẩu dầu thô cho đến khi đạt ngưỡng tương đương trước khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế. Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Nga, Saudi Arabia, Qatar và Venezuela tại một cuộc họp ở Doha đã nhất trí giữ nguyên sản lượng khai thác dầu thô ở mức như tháng Một vừa qua với điều kiện các nhà sản xuất lớn khác cũng phải tuân theo quyết định này nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.
Dù không nhận được bất cứ cam kết nào từ Iran, song thị trường dầu mỏ vẫn đi lên trong phiên này bởi theo chuyên gia John Kilduff từ Again Capital, cuộc đàm phán trên cho thấy các nhà sản xuất dầu mỏ đã sẵn sàng ngồi lại để bàn về kế hoạch hạn chế nguồn cung, và điều này có thể thúc đẩy một thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong thời gian tới.