Cái nóng gay gắt dịu dần khi xe chúng tôi bắt đầu đi vào địa phận xã Thuận Hưng, cửa ngõ của cuộc hành trình đi về đền thờ Bác thuộc xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Hai bên đường, vô số hàng cây bạch đàn, tràm, phượng vĩ, tre và trúc xanh ngút ngàn tạo khoảng xanh rất dịu mát kéo dài trên 20 km. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên bên hàng loạt trụ ăng ten chảo minh chứng cho một sức sống mới tại một vùng quê vốn chịu nhiều bom đạn chiến tranh và sự mất mát về của lẫn người. Trường học của các xã Thuận Hưng, Xà Phiên, Lương Tâm được đầu tư xây dựng rất đẹp và khang trang. Học sinh đạp xe đến lớp đan kín con đường. Có khá nhiều phương tiện vận tải các loại lưu thông dầy đặc bởi xã Lương Tâm là địa phương giáp ranh với các tỉnh bạn như Bạc Liêu, Kiên Giang, vì vậy việc giao thương, đi lại rất thuận lợi vì rút ngắn được cự ly, vừa nhanh chóng bởi con đường mới được nâng cấp, duy tu.
Khu di tích lịch sử đền thờ Bác Hồ đặt tại trung tâm xã Lương Tâm khá thoáng mát, đẹp, uy nghiêm. Chị Nguyễn Thi Trúc Xuân, thuyết minh viên vui vẻ hướng dẫn chúng tôi tham quan các hạng mục như: khu đền chính thờ Bác, nhà trưng bày hình ảnh và một số hiện vật của Bác, nhà Hội sinh hoạt và chiếu phim phục vụ, thư viện Hồ Chí Minh, phòng giữ lửa truyền thống…
Chị Xuân tâm sự “ …Tôi rất vui và tự hào vì được công tác tại đây để có dịp bày tỏ lòng kính yêu vô hạn với Bác, được kể về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mọi người biết và học tập, làm theo…”.
Chúng tôi rất xúc động khi được xem lại những thước phim tư liệu quý báu về Bác Hồ, được nhìn thấy những vật dụng sinh hoạt giản dị thường ngày của người như: bộ quần áo ka ki, dép lốp, nón cối, chiếc gậy hành quân… nhất là nhìn thấy hình ảnh ngôi nhà sàn, nơi Bác sống và làm việc với trái tim luôn hướng về miền Nam ruột thịt. Đây, những tấm ảnh vô giá về cuộc đời của một vị lãnh tụ kính yêu đã sống, chiến đấu, lao động, học tập để mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân, đánh đổ thực dân phong kiến, giành lấy độc lập tự do cho nước nhà.
Em Lê Thị Thùy Dung, học sinh trường THCS Lương Tâm cho biết “…trường chúng em thường xuyên tổ chức đến đây để báo công dâng Bác những kết quả học tập, rèn luyện tốt. Chúng em còn được biết thêm nhiều câu chuyện rất cảm động về Bác, nhất là tình cảm Bác giành cho các cháu thiếu niên nhi đồng…”.
Theo lời kể của chị Trúc Xuân: sau khi Bác Hồ mất năm 1969, quân dân xã Lương Tâm quyết định lập đền thờ tại văn phòng Đảng ủy xã với nghi thức trang trọng, nhiều lần địch đánh phá nhưng đền Bác vẫn vững vàng trong bom đạn quân thù. Mỗi lần xuất kích dân quân Lương Tâm đều đến thắp hương và hứa với Bác sẽ mang thắng lợi về. Đặc biệt sau khi xây xong đền thờ, quân dân Hậu Giang đã liên tục tấn công 34 mục tiêu quân sự, tiêu diệt gần 400 tên địch. Tại xã Lương Tâm, quân dân ta đã tiêu diệt đồn Vàm Cấm, đồn Tô Ma, đồn Đường Đào diệt 40 tên địch.
Ngày 2 tháng 9 năm 1990, đền thờ Bác tại xã Lương Tâm đã được tôn tạo lại với các hạng mục qui mô. Nghi thức rước ảnh Bác và ngọn lửa truyền thống Pắc Bó được tổ chức trang nghiêm và xúc động. Từ đó đến nay khu di tích lịch sử này đã được nâng cấp mở rộng nhiều lần với diện tích trên 2 ha gồm có 7 hạng mục công trình thu hút khá nhiều du khách gần xa đến tham quan. Mỗi năm đền thờ Bác tiếp đón từ 35.000 đến 40.000 lượt người đến tưởng niệm công đức của Người. Các ngày lễ hội đều tổ chức nhiều hình thức hoạt động văn hóa - thể thao vui chơi giải trí cho nhân dân địa phương và các xã lân cận tỉnh bạn. Đây còn là nơi tổ chức nhiều cuộc hành quân về nguồn, nói chuyện truyền thống, giáo dục lý tưởng sống cho đoàn viên thanh niên. Ngày 7 tháng 1 năm 2000, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia..
Song Anh