Lang bạt đi hết các vùng quê trên nước Việt Nam này, từ Hà Nội, Thái Nguyên, Huế, Tây Nguyên, Sài Gòn, các tỉnh miền Tây Nam Bộ, mỗi nơi tôi đi qua đều có những món ngon và lạ trong ẩm thực riêng đặc trưng cho mỗi vùng đất. Nhưng rồi, mỗi lúc ngồi ở nơi xa, thả lòng về quê nhà, lại thấy thèm biết bao nhiêu bữa cơm mẹ nấu.
Cho đến bây giờ, nhà tôi vẫn giữ được cái lệ nấu cơm và thức ăn bằng bếp củi. Bữa cơm của mẹ bắt đầu từ những cây củi mục, củi khô, những nhùi rơm vàng nhen lửa, từ bát gạo được vo trong cái gáo dừa khô đen nhánh theo thời gian. Rồi khói bay lên trên mái ngói cũng đã ám đen màu dâu bể xoay vần.
Người ta thì tự hào về những món ngon mẹ nấu. Tôi thì không. Bởi tôi biết mẹ nấu cơm không ngon. Không phải vì mẹ nấu dở mà vì mẹ không có thời gian để nấu cho đàng hoàng một bữa. Sáng, tờ mờ đất, mẹ đã dậy theo tiếng gà cầm canh hay tiếng sủa của chó nhà hàng xóm chứ ít khi xem đồng hồ là mấy giờ rồi. Tất bật với nồi cơm sáng và hâm lại thức ăn, bên bếp kia lại phải trông nồi cám heo. Để rồi mẹ ra đồng khi sương đêm còn phủ kín cả một vùng quê yên tĩnh. Trưa thì với những bó rau, bó cải dưới chợ, mẹ thường về đến nhà khi đồng hồ chỉ qua 12 giờ rồi. Bỏ đồ đạc và thức ăn ra, mẹ lại vội vào ngay bếp, nhóm lên. Vừa mệt, lại vừa sợ chồng con mình đói nên lúc nào mẹ cũng hấp tấp và làm nhanh. Buổi tối cũng vậy, có khi nào mẹ về nhà lúc trời chưa tối đâu. Vậy là lại lùi lũi với bóng đêm để kịp đón đầu cơn đói bụng đang kéo tới với cả gia đình.
Cơm mẹ nấu thường một tuần có bữa khê, có bữa sống. Thức ăn thì có bữa nhạt, có bữa mặn. Nếu ăn không quen, người khó tính có thể buông đũa ngay xuống. Nhưng chị em tôi thì đã quen như vậy rồi. Từ nhỏ, những bữa ăn như vậy đã nuôi chúng tôi lớn lên cho đến ngày hôm nay. Tôi chưa làm gì để ba mẹ được một ngày vui thì không thể nào trách mẹ, lại trách ngay những bữa cơm để mẹ nấu cho mình. Nghĩ vậy, bữa cơm nào cũng trở nên vui hơn, ấm áp hơn dù thực sự tôi không ăn được nhiều.
Năm tháng đi qua, chị em tôi lớn lên, cũng đã đỡ đần được mẹ trong việc cơm nước nhưng rồi học hành, công việc cứ lôi chúng tôi dần ra xa căn bếp nhà mình. Mẹ vẫn còng lưng trước mỗi khi mâm cơm được dọn ra cho cả nhà. Vẫn những bữa cơm không ngon nhưng ấm áp tình cảm gia đình.
Nhiều lần định rời bỏ quê hương để lập thân trên một vùng đất mới khác có nhiều điều kiện hơn nhưng rốt cục tôi không làm được. Đã khăn gói đi, nhận một công việc đàng hoàng có lương đủ sống, nhưng rồi lòng vẫn không yên... Mái nhà thân thương cùng những bữa cơm của mẹ như cứ đi theo, gọi tôi trở về với quê hương, với nơi chôn nhau cắt rốn yên bình này.
Có thể ở những nơi phồn hoa đô hội tôi từng đến có món ngon hơn, có những bữa ăn mà tôi từng được ăn với giá thành hàng triệu đồng với những người thành đạt luôn muốn giúp tôi phát triển ở vùng đất mới. Nhưng rồi, tôi vẫn cảm thấy bất an và không yên bình. Chỉ khi về với mẹ, với những bữa ăn dù không ngon, tôi mới cảm thấy được là chính mình, là một thằng bé ngây thơ, ngơ ngác như hồi nào lang thang chơi dưới những hàng cau, những lũy tre bên căn bếp có nồi cơm của mẹ.
Nguyễn Thành Giang