Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc xử lý những vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong thời gian vừa qua.
Gần đây cảnh sát môi trường phát hiện nhiều vụ xả thải ra môi trường gây ảnh hưởng sức khỏe người dân, xin bà đánh giá về thực trạng này?
Đúng là thời gần đây phát hiện một số doanh nghiệp xả thải ra môi trường và chôn lấp chất thải độc hại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Tôi cho rằng, công tác kiểm tra của các cấp các ngành và cảnh sát môi trường bước đầu đã làm tốt. Công tác này cần phải làm tốt hơn nữa mới phát hiện nhiều vụ vi phạm. Hiện nay, những vụ việc vi phạm về môi trường vẫn chưa phát hiện được nhiều. Trong luật quy định các doanh nghiệp có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ môi trường, phải thực hiện đúng quy trình xử lý chất thải, rác thải hoặc phải quản lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, theo những thông tin phản ánh thì rõ ràng đến giờ vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm.
Vụ việc điển hình gần đây là chôn lấp thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, người dân bức xúc và cho rằng xử lý quá nhẹ và chưa giám sát chặt chẽ để khắc phục?
Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát và các đại biểu dân cử ở địa phương cũng cần tăng cường giám sát, đặc biệt từ phản ánh của người dân để chuyển tới cơ quan quản lý nhà nước. Tôi tin những vụ việc đã đưa lên công luận mang tính chất nghiêm trọng như vậy cần phải được xử lý nghiêm.
Theo bà có nên xử lý hình sự với tội phạm môi trường như vụ vi phạm tại Thanh Hóa?
Xử lý tội phạm môi trường cần được cơ quan chức năng quan tâm và xử lý kiên quyết. Với những vi phạm môi trường dứt khoát phải xử lý nghiêm. Đối với vụ việc ở Thanh Hóa, tôi cho rằng phải đánh giá kỹ. Người dân phát hiện vi phạm và việc xử lý hành chính là việc đương nhiên. Còn để xử lý hình sự thì các cơ quan tố tụng phải làm theo quy trình, đặc biệt là tác hại đối với môi trường, sức khỏe của người dân thì hành vi đó được coi là nguy hiểm cho xã hội. Những hành vi vi phạm đó được đánh giá theo tiêu chí của tội phạm môi trường. Vậy các cơ quan tố tụng phải có được dấu hiệu của tội phạm môi trường thì mới xử lý hình sự. Nếu chưa tìm được mối liên hệ nguy hiểm cho tính mạng, cho xã hội với bằng chứng cụ thể sẽ khó. Nếu chúng ta có bằng chứng đưa ra và kiến nghị tới cơ quan tố tụng thì họ sẽ xem xét xử lý.
Thưa bà, nhiều ý kiến cử tri cho rằng chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe và dẫn đến những vi phạm vẫn liên tiếp xảy ra?
Theo tôi thì quy định của pháp luật hiện nay về xử lý vi phạm đã đủ nhưng quan trọng là triển khai ra sao. Nhiều trường hợp không xử lý nên nhờn. Những trường hợp vi phạm mà báo chí nêu về vi phạm môi trường có thể xử lý ở mức 500 triệu đồng và thậm chí 2 tỷ đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Lần đầu xử lý hành chính nhưng nếu tái phạm thì xử lý nặng hơn và tái phạm nhiều lần phải xử lý hình sự và quy trách nhiệm đối với cá nhân cụ thể.
Có một thực tế là những vụ vi phạm môi trường ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người dân, chẳng hạn như vụ Vedan xả thải cách đây vài năm, tuy nhiên mức đền bù cho dân được cho là chưa thỏa đáng. Vậy Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này không, thưa bà?
Đúng là trường hợp xả thải của Vedan gây chấn động trong cả nước mấy năm vừa rồi nhưng khi tìm các căn cứ pháp luật để đền bù cho dân thì các quy định còn mờ nhạt. Trước những thiệt hại của dân, việc đền bù cho người dân bị ảnh hưởng không thỏa đáng. Lần này rút kinh nghiệm từ vụ Vedan, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã tính những tình huống như vừa qua để đưa vào quy định của pháp luật cho chặt chẽ. Dự thảo luật cũng đã yêu cầu đơn vị xả thải vào môi trường trước hết phải có trách nhiệm xử lý và đền bù nếu gây hậu quả.
Xin cảm ơn bà!
Xuân Minh (thực hiện)