Các đối tác nước ngoài tìm hiểu các mặt hàng và cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ. |
Hội chợ thực phẩm và đồ uống thường niên lớn nhất Bắc Mỹ này được các doanh nghiệp toàn cầu quan tâm đặc biệt, vì là cơ hội để quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là năm thứ ba Việt Nam tham dự hội chợ này, hai lần trước là vào năm 2006 và năm 2016.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, chủ đề của Khu gian hàng Việt Nam gửi tới khách hàng tham quan là: Những nhà chế biến thực phẩm hàng đầu từ Việt Nam - “FOODS OF VIỆT NAM”. 9 đơn vị của Việt Nam có mặt tại gian hàng là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đến từ nhiều vùng miền có thế mạnh xuất khẩu nông thủy sản, thực phẩm trên cả nước như: TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Dương, Hậu Giang, Bến Tre,.…
Các đối tác nước ngoài tìm hiểu các mặt hàng và cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ. |
Đây là những doanh nghiệp có uy tín, có năng lực sản xuất, xuất khẩu, xúc tiến thương mại thuộc lĩnh vực nông thủy sản, thực phẩm và đồ uống. Khu gian hàng của Việt Nam được dàn dựng có thẩm mỹ, chất lượng, làm nổi bật các sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, thuận lợi cho 9 đơn vị trưng bày sản phẩm, hàng hoá.
Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, (đơn vị tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ) cho biết số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ năm nay tăng so với con số 6 đơn vị hồi năm 2006 và các sản phẩm được trưng bày tuy vẫn là những mặt hàng xuất khẩu truyền thống, song là các sản phẩm hữu cơ, được cải thiện đáng kể về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm.
Mục tiêu của đoàn là giúp doanh nghiệp duy trì quan hệ bạn hàng với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, phát triển mặt hàng xuất khẩu mới, ký kết các hợp đồng xuất khẩu có giá trị, quảng bá rộng rãi ẩm thực Việt và các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm từ Việt Nam.
Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam. |
Gian hàng của Việt Nam thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan hội chợ. Hầu hết các khách tham quan đều có ấn tượng tốt về các sản phẩm hữu cơ, chất lượng cao, của Việt Nam. Ông Vasudev Punjiram, Giám Đốc công ty phân phối gạo Shivaw có trụ sở ở Longwood, Florida, Mỹ, cho hay công ty ông là khách hàng "trung thành" của gạo Việt Nam và ông bày tỏ tưởng rằng với những sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng cao hơn được giới thiệu tại hội chợ, tới đây Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu gạo sang Mỹ.
Trong khi đó, ông Ron von Perlstein, Giám đốc phụ trách bán hàng và tiếp thị của công ty Viet Pepper USA Co. Inc, bày tỏ quan ngại trước nguy cơ nhiều người tiêu dùng Mỹ sẽ thiếu hạt tiêu - gia vị được ưa chuộc trong hầu hết món ăn ở Mỹ - nếu như tới đây chính quyền Mỹ tăng mạnh thuế đối với hạt tiêu nhập khẩu từ Việt Nam. Ông nói: "Hạt tiêu của Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu của người Mỹ. Nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng như hạt tiêu, điều đó chỉ có hại cho người Mỹ".
Trong bối cảnh nước Mỹ có xu hướng bảo hộ mậu dịch, hạn chế nhập khẩu từ bên ngoài, ông Perlstin có một lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, đó là kiên trì phát huy những thế mạnh của mình, làm tốt hơn nữa những mặt hàng mình đã làm tốt để có thể trụ vững tại thị trường Mỹ ngay cả khi thuế quan cao làm giảm sức cạnh tranh về giá cả.
Một số mặt hàng của Việt Nam được giới thiệu tại Hội chợ. |
Về phần mình, ông Hoàng Văn Dự nêu bật một khách thức khác khá nghiêm trọng đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, đó là năm 2017 Cơ quan quản lý Dược phẩm Hoa Kỳ đã hiện đại hóa quy định an toàn thực phẩm. Thay vì trước đây, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể giao phó cho bên hải quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, giờ đây cơ chế mới đòi hỏi sự kiểm soát đối với toàn bộ chuỗi sản phẩm, từ khâu gieo trồng, chăn nuôi, chế biến tới xuất khẩu.
Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng bộ quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, mỗi năm ít nhất một lần phải mời các chuyên gia Mỹ tới Việt Nam tới giám định - mọi chi phí do phía Việt Nam trang trải. Ngoài ra, phía hải quan Mỹ cũng xiết chặt việc kiểm định chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Nếu như trước đây chỉ có 2% số sản phẩm bị kiểm định, thì nay tỷ lệ đó là trên 50%, thậm chí là 100% đối với một số mặt hàng như cá da trơn.
Ông An Thế Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Viettrade, cho biết thêm một thách thức khác là theo quy định mới, các doanh nghiệp Việt Nam phải có một đối tác nhập khẩu hoặc đại diện nhận hàng phía Mỹ xác nhận là thực phẩm nhẩm nhập khẩu đáp ứng các quy định của Mỹ.
Hội chợ Summer Fancy Food lần thứ 64 diễn ra trong 3 ngày từ 30/6 - 2/7 tại trung tâm hội nghị Javits, New York, có sự tham gia của 2.650 doanh nghiệp đến từ hơn 83 quốc gia và vùng lãnh thổ, với với trên 3.600 gian hàng, thu hút hơn 50.000 khách tham quan, chủ yếu là những khách hàng đại diện cho các dây chuyền thực phẩm, các nhà hàng lớn và các nhà nhập khẩu Mỹ đến tham quan, giao dịch và ký kết hợp đồng. Hội chợ không mở cửa đón khách tham quan thông thường.