Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vilayvong Budakham, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào mong muốn hai bên chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực trong việc quản lý ngân sách nhà nước cũng như nợ công. Để việc quản lý ngân sách cũng như nợ công được thực hiện tốt hơn, Lào mong muốn được trao đổi những kinh nghiệm quý báu, để từ đó có thể triển khai những chính sách, cơ chế phù hợp với tình hình của đất nước.
Đại diện Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã chia sẻ việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, hướng chỉ đạo và chính sách tạo sự vững mạnh; nội dung phân cấp quản lý ngân sách nhà nước; đánh giá việc tổ chức thực hiện phân cấp quản lý ngân sách nhà nước...Qua đó, đề xuất một số ý kiến trao đổi về trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát ngân sách của tỉnh; cơ chế quản lý, sử dụng các nguồn thu vượt kế hoạch của địa phương...
Về quản lý nợ công của Lào, đại diện Bộ Tài chính Lào cho biết về tình hình nợ công có xu hướng tăng, trong đó chủ yếu là nợ nước ngoài…Qua đó đề xuất việc củng cố cơ sở pháp lý, quản lý. Đó là củng cố Luật về Ngân sách nhà nước (việc vay mượn tập trung kế hoạch ngân sách nhà nước dài hạn, kế hoạch năm, qua một cửa ở Bộ Tài chính); chiến lược phát triển tài chính nhà nước đến năm 2025 và tầm nhìn 2030...
Đại diện Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Việt Nam đã nêu một số vấn đề cơ bản về phân cấp quản lý nhà nước, các nguyên tắc cơ bản về phân cấp quản lý ngân sách quy định trong Hiến pháp năm 2013; thẩm quyền của Quốc hội và HĐND các cấp; nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách…Qua đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là với một quốc gia theo mô hình nhà nước đơn nhất, việc tạo khuôn khổ pháp lý về quản lý ngân sách nhà nước thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ là rất quan trọng. Vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương là cần thiết, không những đảm bảo chi những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, hoạt động của cơ quan trung ương, còn là kênh điều tiết bảo đảm phát triển đồng đều giữa các địa phương. Việc thực hiện ngân sách phải được kiểm tra, thanh tra thường xuyên; quyết toán ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương phải được kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trước khi trình Quốc hội, HĐND các cấp phê chuẩn.
Về nợ công của Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính Việt Nam đã nêu rõ tình hình nợ công, tác động chủ yếu của nợ công, các vấn đề đặt ra đối với nợ công, mục tiêu, giải pháp quản lý nợ cộng. Qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm như thực hiện chính sách quản lý nợ công chặt chẽ với chính sách đầu tư công, chính sách tài khóa, tiền tệ gắn với mô hình tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, vốn vay công; kiểm soát trần nợ, đảm bảo an toàn nợ công; hoàn thiện chính sách và tổ chức quản lý nợ công; tăng cường tính minh bạch thông tin về kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ nhằm đánh giá chính xác mức độ an toàn nợ công…
Tại Hội nghị, đại diện các nhà chuyên môn, các địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn: Nợ công dưới góc nhìn của kiểm toán nhà nước; kinh nghiệm trong phân cấp, quản lý ngân sách nhà nước tại tỉnh Quảng Nam...