Vùng chiến lược giàu tiềm năng

Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của nước ta. Tây Bắc có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ, có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu; là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó lâu đời, là căn cứ địa cách mạng, an toàn khu của các cuộc kháng chiến.


Lợi thế của vùng


Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, toàn vùng có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với trên tám triệu ha, trong đó diện tích có rừng sáu triệu ha, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và có điều kiện để phát triển lâm nghiệp hàng hóa.

 

Đóng gói chè Ô Long xuất khẩu tại Tổng Công ty Cổ phần Linh Dương (Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải, thành phố Lào Cai). Trần Việt - TTXVN


Hiện nay, toàn vùng có diện tích mặt hồ trên 95.000 ha và hệ thống sông, suối dày đặc đã tạo nên một tiềm năng về thủy điện lớn nhất cả nước. Toàn vùng có thể phát triển hệ thống các nhà máy thủy điện với công suất 10.000 MW, chiếm khoảng 70% tiềm năng thủy điện toàn quốc. Trữ lượng các hồ thủy điện trên 15 tỷ m3 nước là điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển thủy sản vùng lòng hồ như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái… Một số địa bàn có lợi thế về địa hình, khí hậu có thể phát triển trang trại nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá hồi, cá tầm, cá tiểu bạc và các loại cá nước lạnh khác thuộc các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La.


Tây Bắc có nhiều loại khoáng sản có loại trữ lượng lớn nhất cả nước phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh và cả nước. Trong đó, cần tập trung đầu tư chế biến sâu khoáng sản để mang lại giá trị kinh tế to lớn như nhà máy tuyển quặng apatit Cam Đường, tổ hợp đồng Sinh Quyền (Lào Cai), nhà máy điện phân kẽm Thái Nguyên, mỏ sắt Ngườm Tráng (Cao Bằng), nhà máy Niken - đồng Bản Phúc (Sơn La)… Xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất để phát huy lợi thế về tài nguyên trong vùng.


Toàn vùng có đường biên giới quốc gia dài trên 2.500 km tiếp giáp với Trung Quốc, Lào cùng bảy cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu quốc gia và 43 cửa khẩu phụ. Cửa khẩu kết hợp với nhiều chợ đường biên, nhiều tuyến đường thông thương thuận lợi cho phát triển kinh tế thương mại. Cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển cửa khẩu, kinh tế cửa khẩu và chính sách đặc biệt để phát triển khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng cũng là một trong những lợi thế của cả vùng. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng các hoạt động kinh tế, thương mại với các nước láng giềng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thương mại cửa khẩu với đảm bảo an ninh khu vực biên giới và chủ quyền quốc gia là nhiệm vụ chính trị được các địa phương trong vùng Tây Bắc quan tâm.


Những vướng mắc cần tháo gỡ


Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay của vùng Tây Bắc cần quan tâm đầu tư là giao thông và thúc đẩy cải cách cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh.


Tây Bắc có hệ thống giao thông rộng với khoảng 60.000 km đường bộ, trong đó có khoảng 10.000 km quốc lộ; có đầy đủ các loại đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Song, do địa hình chia cắt, đồi núi nên giao thông Tây Bắc còn rất khó khăn.


Theo qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du miền núi phía Bắc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tây Bắc có sáu tuyến hành lang kinh tế được ưu tiên đầu tư gồm: Tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng có thành phố Lạng Sơn (cửa khẩu quốc tế) kết nối với thành phố Bắc Giang và các đô thị trên tuyến. Tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có Việt Trì là thành phố công nghiệp kết nối với thành phố Lào Cai (cửa khẩu quốc tế) và thành phố Yên Bái và các đô thị khác trên tuyến.

Tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu, có thành phố Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên Phủ và thị xã Lai Châu là hạt nhân phát triển, kết nối với các đô thị khác trên tuyến hành lang. Tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Cao Bằng, tuyến Phú Thọ - Hà Giang và cuối cùng là tuyến hành lang kinh tế các tỉnh biên giới phía Bắc gồm bảy tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La. Đây vừa là những trọng điểm ưu tiên đầu tư của Chính phủ đối với phát triển hạ tầng giao thông của vùng, vừa là cơ hội, địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.


Bên cạnh đó, thúc đẩy cải cách cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, song cũng là công tác mà các địa phương trong vùng còn gặp nhiều lúng túng, hạn chế, rất cần sự tham gia, tư vấn, vào cuộc của các nhà đầu tư. Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, các địa phương cam kết thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo hướng trong sạch, vững mạnh, đảm bảo quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực hiệu quả, tạo lập môi trường minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, có chính sách cơ chế ưu đãi, đặc thù thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư.


Thái Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN