Vùng sản xuất rau an toàn... để chăn bò

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn tại xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa được đầu tư 11,5 tỷ đồng, hoàn thành vào cuối năm 2012. Nhưng từ đó đến nay, thay vì đã có vùng trồng rau xanh tốt, thì nơi này lại trở thành... vùng đất bỏ hoang. Nguyên nhân của tình trạng này là do ở một lĩnh vực trồng trọt còn khá mới mẻ về kỹ thuật, chi phí đầu tư khá lớn, lại chưa xác định được đầu ra cho sản phẩm... khiến cho người dân trở nên thụ động. Bên cạnh đó, vì không lường hết thực tế, nên chủ đầu tư dự án không có hướng xử lý kịp thời.


Dự án này được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt ngày 11/11/2010 và cấp kinh phí đầu tư xây dựng trong hai năm 2011 - 2012, với quy mô hơn 12 ha do 47 hộ dân tham gia góp đất. Theo đó, chi phí xây lắp hơn 9 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục chính: đường giao thông bê tông dài 1 km, đường cấp phối hơn 900 m; kênh mương chính gần 600 m; bể nước 100 m3, xây dựng trạm bơm, cải tạo đồng ruộng. Đến cuối năm 2012, dự án hoàn thành việc thi công. Sau đó, UBND xã Ninh Đông giao lại diện tích đất cho các hộ dân tham gia dự án để sản xuất rau an toàn.


Nhưng khi nhận lại đất để trồng rau an toàn thì người dân không tiến hành sản xuất. Bà Nguyễn Thị Minh Hương, thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, cho biết: “Gia đình góp sáu sào ruộng để thực hiện dự án sản xuất rau an toàn. Khi nhận lại đất để sản xuất, chúng tôi không biết phải trồng các loại rau, củ nào cho hiệu quả; đồng thời chi phí trồng rau khá lớn chứ không như trồng lúa, khiến chúng tôi gặp khó khăn. Không thể sản xuất được trên chính mảnh đất của mình, lao động trong gia đình tôi phải đi nơi khác tìm việc làm”. Một năm không sản xuất, gần như toàn bộ diện tích đất của dự án đã trở nên hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm; mặt ruộng gồ ghề, lởm chởm. Một số hộ dân tận dụng mặt ruộng hoang hóa trong dự án... để chăn thả trâu, bò.


Trong khi đó, cơ quan thực hiện dự án này là phòng Kinh tế, thị xã Ninh Hòa cho rằng, đất hoang hóa là do... chính người dân. Theo ông Trần Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, đất hoang hóa trong vùng dự án là do người dân không sản xuất như đã cam kết ban đầu. Sau khi dự án hoàn thành, để khuyến khích người dân sản xuất, địa phương đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản của tỉnh tổ chức tập huấn, đăng ký nhãn hiệu, sơ chế rau an toàn. Chương trình khuyến nông cũng đã hỗ trợ từ 50 - 70% giống rau màu nhưng người dân vẫn không tiến hành sản xuất.


Đã có sự đối thoại nhưng vẫn chưa thể biết đến khi nào người dân và cơ quan thực hiện dự án mới tìm được "tiếng nói chung" để đưa diện tích đất bỏ hoang vào sản xuất. Song, điều thấy rõ nhất là sự lãng phí khi hàng chục tỷ đồng của Nhà nước đầu tư không phát huy hiệu quả, cùng với hàng chục ha đất sản xuất bị bỏ hoang hóa. Ông Trần Văn Dũng cũng cho biết: Năm 2014, chương trình khuyến nông tiếp tục hỗ trợ giống rau màu cho người dân tham gia dự án sản xuất rau an toàn. Nếu người dân vẫn không sản xuất, tiếp tục để đất hoang hóa thì tìm các phương án khác.


Thiết nghĩ, việc xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn mới chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là người nông dân phải làm quen và nắm bắt được quy trình sản xuất rau an toàn; đồng thời có nguồn vốn nhất định để mua giống, phân bón, nước tưới. Do vậy, cơ quan triển khai dự án cần nhanh chóng xây dựng mô hình "điểm" sản xuất rau an toàn. Sau khi mô hình này phát huy hiệu quả thì nhân rộng ra để các hộ dân tiến hành sản xuất trên diện rộng.


Nguyên Lý

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN