Vùng sâu đắk song (Đắk Nông): hởi sắc từ mô hình “3 trong 1”

“Cứ 3 hộ hội viên cựu chiến binh (CCB) khá, giàu được phân công giúp đỡ một hộ CCB nghèo vươn lên thoát nghèo từ nguồn quỹ đồng đội cho vay, cộng với việc hướng dẫn kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất, cách chi tiêu hạch toán kinh tế gia đình, ăn ở hợp vệ sinh...

 

Cựu chiến binh Điểu Quang Phê đang sửa nông cụ và rất tự hào khi học được nghề này.

 

Đó là mô hình tổ 3 người mà chúng tôi gọi là mô hình “3+1” hay “3 trong 1” mà Hội Cựu chiến binh huyện Đắk Song triển khai rất hiệu quả trong thời gian qua. Mô hình này đã giúp hàng trăm hộ dân vùng sâu thoát nghèo”, anh Bùi Minh Tú, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, khẳng định về hiệu quả của mô hình.

 

Giúp nhau làm giàu


Huyện nghèo Đắk Song có hơn 30% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, tỷ lệ đói nghèo cao luôn là nỗi lo của chính quyền địa phương. Nhưng từ khi có mô hình “3 trong 1”, nhiều buôn nghèo đã khởi sắc rõ rệt.


Anh Điểu Lo - Chi hội trưởng Hội CCB xã Đak N’DRung đưa chúng tôi đến nhà anh Điểu Quang Phê, một hội viên thuộc chi hội Buôn Bu Rwah trước đây thuộc hộ nghèo, nhưng nay đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình “3+1” này. Tiếp chúng tôi là người đàn ông trung niên với dáng người săn chắc, nước da rám nắng trông rất “nhà binh”.


Anh Phê cho biết, anh đi bộ đội năm 2000, năm 2002 xuất ngũ, vào Hội CCB năm 2004. Hiện gia đình anh có 7 người, gồm cha mẹ già, một người em, hai vợ chồng và hai con. Vào thời điểm năm 2005, anh Phê lấy vợ về ở cùng gia đình vợ theo chế độ mẫu hệ, nhưng phía gia đình vợ rất khó khăn, quanh năm phải chống chọi với cái đói, thiếu kiến thức làm ăn nên chẳng tích lũy được gì. Lúc này Hội CCB của huyện triển khai mô hình tổ 3 người kèm cặp giúp nhau phát triển kinh tế. Anh được ba hội viên trong chi hội thường xuyên quan tâm chia sẻ khó khăn trong phát triển sản xuất. Các hội viên đi trước này rất nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ anh về vốn, chỉ dẫn cách thức làm ăn. Nhờ đó mà kinh tế gia đình anh dần đi vào ổn định và bắt đầu có tích lũy để thoát nghèo một cách bền vững. Không những thế, hiện nay anh Phê còn học được nghề sửa chữa nông cụ. Với nghề này anh có thể giúp đỡ nhiều bà con trong buôn khi máy móc hư hỏng.


Năm 2006 - 2007, anh Phê và một số hộ dân nghèo khác trong buôn được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng và vay 4 triệu đồng từ quỹ của đồng đội. Với số vốn này, các anh được các hội viên trong tổ hướng dẫn đầu tư trồng cà phê. Qua mấy mùa cà phê, số tiền lãi được đầu tư nuôi bò. Cứ thế, số tiền lớn dần, các anh tiếp tục tái đầu tư mở rộng sản xuất cho cây trồng, vật nuôi một cách hiệu quả.

 

Từ nghèo khổ thành ông chủ


CCB Điểu Bót kể rằng: “Mình vào bộ đội năm 1981, sau 8 năm đã tôi luyện được tinh thần và ý chí của người lính Cụ Hồ để vượt qua bất cứ khó khăn nào, nên quyết tâm phải vượt cái nghèo”. Về địa phương năm 1989, năm 2000 Điểu Bót vào Hội CCB. Lúc đó gia đình Điểu Bót là hộ nghèo, đất đai sản xuất thì có, nhưng vốn và kinh nghiệm sản xuất thì không. Điểu Bót được anh em hội viên “3+1” chia sẻ kinh nghiệm, giúp vốn làm ăn. Nhờ đó, gia đình Điểu Bót đã vươn lên với mô hình sản xuất khá hấp dẫn về cây trồng, chăn nuôi gồm: cà phê, tiêu, bắp, khoai, lúa nước, chăn nuôi bò đàn.


Anh Trương Châu Thành, cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Đắk Song cho biết, Đắk Song có xuất phát điểm kinh tế thấp, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào giá cả thị trường. Việc thực hiện Chương trình giảm nghèo của huyện trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của người dân cải thiện rõ rệt, người nghèo được hỗ trợ đầy đủ các chính sách của Nhà nước. Trong những năm qua các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện như: UBMTTQVN, Hội CCB, Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... với chức năng nhiệm vụ của mình đã phối hợp với UBND huyện thực hiện thành công các chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện. Mỗi đoàn thể đều có mô hình giảm nghèo cho hội viên mình, trong đó mô hình giảm nghèo “3 trong 1” của Hội CCB được đánh giá rất cao. Từ mô hình này, một bộ phận không nhỏ người nghèo đã vươn lên phát triển sản xuất thoát nghèo. Nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của huyện giảm chỉ còn 11%.

 

 

Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO


pCựu chiến binh Điểu Quang Phê đang sửa nông cụ và rất tự hào khi học được nghề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN