Vượt ngàn bám bản, bám dân

Với tinh thần “Đi dân nhớ, ở dân thương”, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con dân tộc là anh em ruột thịt”, các Tổ công tác biên phòng Đồn Biên phòng Pa Ủ vượt ngàn khó khăn cắm chốt, bám địa bàn cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc để hướng dẫn bà con khai hoang trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc gia cầm dần thoát khỏi đói nghèo.

 

Vỡ hoang


Xã Pa Ủ (huyện Mường Tè, Lai Châu) có 12 bản, 520 hộ và 2.731 khẩu, là xã có 100% dân gốc là người La Hủ, thuộc dân tộc nằm trong Đề án bảo tồn cấp Nhà nước. Họ còn có cái tên gọi khác là “Tộc lá vàng” hay “Xá lá vàng”, đời sống tự cung tự cấp, biệt lập, không giao du với bên ngoài. Theo tập tục từ xưa, người La Hủ quen sống du canh du cư, đến khu vực mới để kiếm ăn tự nhiên, khi lá lợp lán chuyển màu vàng thì lúc ấy nguồn thức ăn cạn kiệt, họ lại mưu sinh ở nơi đất mới. Mấy năm qua, thực hiện cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” lực lượng biên phòng cùng với các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị hảo tâm đã chung tay dựng gần 90 ngôi nhà đại đoàn kết cho bà con.Kết quả đạt được là cơ bản xóa nhà tranh tre tạm bợ, một số bản “4 không” (không đường, không trường, không trạm, không điện thắp sáng) như bản Hà Si, Mu Chi, Tân Biên, giờ đây, người dân có nhà kiên cố, sạch sẽ, thoáng mát để ở, con cái được tới trường học con chữ.

Với sự trợ giúp của các chiến sĩ biên phòng, lần đầu tiên người dân ở bản Hà Si (Pa Ủ) tiếp cận với kỹ thuật nuôi cá.


Cuối năm 2009 là dấu mốc quan trọng khó quên của người dân bản Hà Si - Hà Nê, xã Pa Ủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Bà con La Hủ được Bộ đội biên phòng làm tặng 41 ngôi nhà đại đoàn kết, đưa người dân về ở tập trung dạy làm lúa nước hai vụ, chăn nuôi gia súc gia cầm, đào ao thả cá, trồng rau. Lần đầu tiên được tiếp cận với cách làm ăn mới nên bà con không dễ làm theo. Các chiến sĩ biên phòng đã kiên trì vận động, cầm tay chỉ việc, xem bà con như người thân để gần gũi hướng dẫn và chăm sóc. Trung úy Đinh Danh Câu, đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Pa Ủ khẳng định: “Tìm người tâm huyết đóng ở Tổ công tác thì mới vực đời sống của bà con lên được”.


Đại úy Lý Chùy Tư, dân tộc Hà Nhì, tổ trưởng Tổ công tác Hà Si là người gắn bó, hết mình vì dân bản. Anh có mặt ở đây ngay ngày đầu tiên bà con về, dù đơn vị bảo Chùy Tư chuyển đi tổ khác nhưng anh một mực xin ở lại. Gần gũi bà con trở lên thân thiết, anh quen từng người thuộc từng cái tên, giờ bỏ đi không đành. Bốn năm rồi, sự đổi thay cả cách làm và nếp nghĩ của người dân nơi đây là công sức của Lý Chùy Tư và anh em trong Tổ công tác.

Hướng dẫn bà con cải tạo đất trồng rau xanh.


Ông Vàng Ly Xè, 56 tuổi là người có uy tín và làm trưởng bản từ khi dân bản chuyển về ở tập trung. Ông Vàng Ly Xè cho biết: “Bà con dân bản mình ngày trước nằm mơ cũng không nghĩ sẽ có một cuộc sống sung túc thế này, mọi người vui lắm! Bây giờ người dân khác hơn trước rồi, không còn du canh du cư nữa, không chặt phá rừng, biết chăn nuôi, làm lúa nước có cái ăn rồi đấy. Thầy cô giáo vào tận bản dạy chữ cho con cháu mình nữa”. Bản Hà Si có gia đình đã mua được xe máy, đường ô tô mở đến tận bản nên bà con đi lại thuận lợi hơn. Cả bản đã khai hoang được 12 ha trồng lúa nước hai vụ, có ao thả cá, có đàn bò 14 con. Năm 2009 về trước ở bản Hà Si, xã Pa Ủ chưa có cháu nào đi học, giờ về điểm mới, ngành giáo dục đã mở lớp điểm bản, hiện bản có 12 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 và có 5 cháu học mầm non. Bà con cũng được hưởng hỗ trợ của nhà nước 100 nghìn đồng/khẩu/năm; 3 tháng giáp hạt được hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu, tiền dầu đèn thắp sáng 35 nghìn đồng/hộ/tháng và tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh… Nhờ đó mà đời sống của người dân ở bản được nâng lên, không còn cảnh đói kinh niên nữa.


Hiệu quả cai nghiện


Đồn biên phòng Pa Ủ là đơn vị đi đầu, thành công trong công tác vận động người dân nghiện hút thuốc phiện đi cai nghiện cộng đồng tại Đồn. Người đến Đồn cai nghiện được dùng thuốc theo phác đồ điều trị, được hỗ trợ nơi ăn nghỉ. Năm 2009, toàn xã có khoảng 300 người nghiện thuốc phiện, đến nay chỉ còn lại 66 người nghiện. Đồn trưởng Đồn Pa Ủ, trung tá Lò Văn Hiêng cho biết: “Thời gian tới, Đồn biên phòng Pa Ủ tiếp tục thực hiện kế hoạch của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, triển khai công tác cai nghiện cộng đồng cho tất cả đối tượng nghiện hút còn lại trên địa bàn. Nhờ cán bộ chiến sĩ biên phòng làm tốt công tác vận động quần chúng, xã Pa Ủ không còn hộ nào trồng cây thuốc phiện, trong khi đó năm 2009 đa phần các hộ gia đình đều trồng cây thuốc phiện”.


Ly Mò Hừ, 31 tuổi ở bản Cờ Lò 1 là con nghiện lâu năm, gia đình cũng trồng cây thuốc phiện, trong nhà không vật dụng gì giá trị, con cái nheo nhóc, vợ chồng thường xuyên cãi cọ nhau. Đầu năm 2013, Ly Mò Hừ được cán bộ biên phòng xuống nhà vận động và chở bằng xe máy về Đồn cai nghiện, giờ anh đã dứt được cơn nghiện thuốc đen và xây dựng kinh tế gia đình phát triển. Gia đình Hừ được Nhà nước hỗ trợ cấp một con trâu và anh đã sửa sang lại nhà cửa, khai hoang ruộng trồng lúa nước, có vườn trồng cây ăn quả, rau xanh. Kinh tế gia đình Ly Mò Hừ dần khấm khá, 4 người con được về trường trung tâm ở bản Mu Chi học chữ. Chúng tôi gặp Hừ ở Lán ruộng, anh cười rất tươi và tâm sự: “Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của cán bộ biên phòng mà mình có cuộc sống ấm no, con cái được đi học tử tế. Ngày mình còn nghiện hút thì khổ lắm cán bộ à”.


Đồn biên phòng Pa Ủ cũng đã xây dựng điểm trạm y tế quân -dân y phối hợp tại trạm y tế xã. Hàng năm, Đồn Pa Ủ nhận thuốc chữa bệnh từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, kết hợp với trạm y tế xã vào thứ 5 hàng tuần thông báo để bà con dân bản đến khám, cấp phát thuốc miễn phí. Phát hiện ca nào bệnh nặng, cán bộ chiến sỹ tư vấn và giúp bà con chuyển tuyến. Mô hình này của Đồn biên phòng Pa Ủ đã mang lại hiệu quả, xây dựng được lòng tin yêu của người dân nơi biên giới.


Bài và ảnh: Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN