WHO khuyến cáo nên tiếp tục sử dụng vắcxin Quinvaxem

“Kết quả điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho thấy, vắc xin Quinvaxem bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng của WHO. Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào thể hiện các ca tử vong sau tiêm chủng là do liên quan đến chất lượng vắc xin hay quá trình tiêm chủng”, TS Takeshi Kasai, đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định tại buổi họp báo về vấn đề này do Bộ Y tế phối hợp cùng WHO, UNICEF tổ chức sáng 20/6, tại Hà Nội.

 

Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, WHO và UNICEF tại Việt Nam, chủ trì họp báo. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

 

Theo TS Takeshi Kasai, sau khi nhận được lời đề xuất của Việt Nam về việc kiểm định, xác định chất lượng một số lô vắcxin Quinvaxem, WHO đã thành lập một đoàn chuyên gia gồm cả chuyên gia của WHO và Việt Nam để xem xét từng trường hợp tai biến, nhất là các ca tử vong. Đồng thời, WHO làm việc với nhà sản xuất vắcxin ở Hàn Quốc để xem xét lại tất cả giấy tờ liên quan đến vắcxin Quinvaxem. Đặc biệt, WHO đã yêu cầu phòng thí nghiệm thuộc Viện Kiểm định chuẩn thức Quốc gia về vắcxin và sinh phẩm y tế Vương quốc Anh kiểm định mẫu vắcxin Quinvaxem từ các lô 1453037, 1453074 và 1453127 do Việt Nam gửi tới. Kết quả kiểm nghiệm đã khẳng định, chất lượng của các lô vắcxin này bảo đảm mọi tiêu chuẩn chất lượng theo khuyến nghị của WHO. Do đó, tại thời điểm này WHO ủng hộ việc Bộ Y tế Việt Nam đề xuất với Chính phủ cho phép sử dụng lại Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.


“Đánh giá của các chuyên gia hàng đầu của WHO đối với tất cả các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắcxin Quinvaxem cho thấy, 27 ca tử vong trong số 43 ca tai biến (từ năm 2010 đến nay) đều không liên quan đến chất lượng vắcxin hay công tác tiêm chủng”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, cho biết thêm.


Theo GS Hiển, loại vắcxin có thành phần ho gà toàn tế bào (như vắcxin Quinvaxem) hay loại vô bào (như vắcxin “5 trong 1” trong tiêm chủng dịch vụ) đều bảo đảm độ an toàn đối với người sử dụng. Tuy nhiên, không có loại vắcxin nào là an toàn tuyệt đối, đều có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm do nhiều nguyên nhân khác nhau như do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý hoặc do cơ địa của trẻ nhỏ. Đơn cử, trong số 43 ca tai biến sau tiêm chủng vắcxin Quinvaxem tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay thì các chuyên gia của WHO khẳng định có 17 ca do bệnh lý của trẻ, 17 ca không đủ thông tin để kết luận, 9 ca có thể coi là có liên quan đến vắcxin Quinvaxem nhưng cả 9 ca này đều đã hồi phục.


Năm 2010, Xri Lanca cũng ra quyết định tạm dừng sử dụng vắcxin Quinvaxem vì xảy ra một số ca tai biến nặng sau tiêm chủng. Sau 2 năm điều tra kỹ từng trường hợp thông qua việc mổ từng tử thi, ngành y tế nước này xác định rõ nguyên nhân không phải do chất lượng vắcxin. Vì vậy, quốc gia này quyết định tiếp tục sử dụng vắcxin Quinvaxem. Khi sử dụng lại vắcxin Quinvaxem, tỷ lệ trẻ tai biến sau tiêm chủng tại Xri Lanca còn cao hơn trước nhưng người dân vẫn tin tưởng và đưa trẻ đi tiêm chủng.


Trả lời tại sao Hàn Quốc không sử dụng loại vắc xin do chính quốc gia này sản xuất, ông Nguyễn Trần Hiển khẳng định: “Trong vắcxin Quinvaxem có 5 thành phần (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do Hib) nhưng Hàn Quốc chỉ sản xuất thành phần viêm gan B, các thành phần còn lại là nhập từ quốc gia khác. Ngoài ra, Hàn Quốc có lịch tiêm chủng khác so với Việt Nam nên đây có thể là những lý do khiến nước này không sử dụng vắcxin Quinvaxem”.


Như vậy, sau hơn 1 tháng (từ ngày 4/5) Bộ Y tế bất ngờ ra tuyên bố tạm ngừng sử dụng vắcxin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để nhờ WHO vào cuộc để điều tra nguyên nhân các trường hợp tai biến sau tiêm chủng, ngành y tế Việt Nam đã có thể hài lòng vì kết luận của WHO cũng tương đồng với những kết luận điều tra trong nước trước đây. “Căn cứ vào các kết quả của WHO đã công bố, cùng kinh nghiệm của các nước đã sử dụng lại vắcxin Quinvaxem sau một thời gian tạm ngừng (như Xri Lanca, Bhutan), cũng như căn cứ vào kết luận của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), để chủ động phòng bệnh cho trẻ em và duy trì thành quả của Chương trình tiêm chủng ở rộng, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất cho phép sử dụng vắcxin Quinvaxem”, GS Nguyễn Trần Hiển khẳng định.

 

Từ năm 2006, vắcxin Quinvaxem (sản xuất tại Hàn Quốc) đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số trên 400 triệu liều. Từ 1/6/2010, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, vắcxin Quinvaxem đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi. Vắcxin này đã được WHO tiền thẩm định về chất lượng và do Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ cho Việt Nam thông qua UNICEF.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN