Có dịp đến thăm trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), ai cũng bất ngờ với những “vườn rau” cải xanh mướt chạy dọc từ cổng trường đến các dãy phòng học. Những vườn rau này đều có diện tích rất nhỏ, mảnh lớn nhất cũng chỉ khoảng hai mét vuông. Điều đặc biệt, chủ nhân của những vườn rau này chính là những học sinh trong trường.
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có trường phổ thông dân tộc bán trú, chủ yếu là ở các huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn… Bên cạnh việc thực hiện chương trình giáo dục theo quy định, các trường phổ thông dân tộc bán trú cũng thực hiện khá tốt việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa như vệ sinh trường lớp, lao động tăng gia như nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau xanh…
Vườn bậc thang
Với đặc thù của vùng miền núi, việc kiếm được những diện tích đất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp là rất khó. Nếu chọn được những mảnh đất tương đối bằng phẳng thì lại khó khăn về nguồn nước và ngược lại. Hơn nữa, do khí hậu đặc trưng của vùng Tây Bắc rất khắc nghiệt nên việc trồng rau cũng khá vất vả, chỉ một số loại rau đặc trưng của vùng mới phát triển tốt. Vậy nhưng đa số các trường phổ thông dân tộc bán trú đều cố dành ra một khoảng đất nhỏ hoặc mượn đất của người dân gần trường để tổ chức cho học sinh trồng rau xanh tăng gia.
Các em học sinh bán trú Tiểu học và THCS xã Trạm Tấu chăm sóc vườn rau. |
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu có diện tích khoảng 5.600 m2 nhưng lại nằm bên sườn núi nên các dãy phòng học phải xây theo kiểu giật cấp. Dù đã tận dụng tối đa phần đất trống để tổ chức cho học sinh trồng rau nhưng cũng chỉ được chưa đầy 200 m2. Với diện tích này, nhà trường chia thành những luống nhỏ và phân công cho các lớp học sinh bậc trung học cơ sở tổ chức trồng và chăm sóc.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến khích học sinh tận dụng những vị trí khác để trồng rau và bán lại cho nhà trường bằng với giá thị trường. Bởi vậy, các khoảng đất trống trong khuôn viên đều được học sinh bán trú tận dụng để trồng rau cho riêng mình. Do địa hình đất dốc nên những vườn rau này thường rất nhỏ và có dáng dấp của những thửa ruộng bậc thang.
Hàng ngày, thường là vào buổi chiều sau khi hết giờ học, các em học sinh nội trú dành thời gian cho việc chăm sóc vườn rau của mình với những công việc quen thuộc là tưới nước, nhổ cỏ, bón phân, vun luống... Để có những luống rau xanh tốt, đủ dinh dưỡng và an toàn với nhiều loại rau, các em được sự hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật của các thầy giáo dạy kỹ thuật và sinh học. Loại rau được trồng phổ biến ở đây là cải Mông, ngoài ra còn trồng thêm cải ngọt, rau cải ngồng, cải bắp, su hào… Đó chính là những loại rau rất gần gũi với bữa ăn hằng ngày của các em.
Rèn nhân cách
Cô Nguyễn Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những vườn rau này không chỉ góp phần hạn chế sạt lở và xói mòn đất trong khuôn viên nhà trường mà còn là nguồn thực phẩm sạch, an toàn, bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho chính bữa cơm của học sinh. Và cái “được” lớn nhất từ việc làm này là đã khơi dậy tính tự lập cho các em, giúp các em có thêm kỹ năng sống và lao động, góp phần không nhỏ vào việc duy trì sỹ số học sinh.
Ngay từ đầu năm học 2013 - 2014, một số học sinh bán trú xin phép thầy cô tận dụng đất trống để trồng rau. Không những đồng ý, nhà trường còn khuyến khích các em khác cùng tham gia. Thấy các bạn trồng rau tốt lại còn được nhà trường mua nên nhiều học sinh khác cũng tích cực tham gia. Đến nay, ngoài diện tích trồng rau chung, toàn trường có khoảng 30 - 40 vườn rau nhỏ của học sinh, đáp ứng được một phần đáng kể về nhu cầu rau xanh cho toàn trường.
Em Thào Thị Thu, lớp 8B, là một trong những học sinh đầu tiên trồng vườn rau học sinh chia sẻ: Em cảm thấy rất thích thú với công việc nhỏ bé nhưng ý nghĩa này. Hiện em đã làm được 4 “vườn rau” cho riêng mình với tổng diện tích gần 5 m2 và chủ yếu trồng cải Mông. Thời gian tới em và các bạn sẽ cố gắng làm thêm nhiều vườn rau như thế này nữa.
Đặc biệt, vào sáng thứ tư hàng tuần, chương trình “Phát thanh măng non” của nhà trường cũng dành khoảng thời lượng đáng kể để biểu dương những tập thể và cá nhân học sinh trồng rau, chăm sóc rau tốt. Vì vậy đến nay, việc trồng rau xanh đã và đang trở thành phong trào thiết thực, hiệu ích được nhiều học sinh nhiệt tình tham gia.
Ông Tráng A Hồ, một phụ huynh học sinh của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu phấn khởi cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các thầy cô giáo, con tôi được đi học cái chữ, được ăn ở tại trường và được các thầy cô dạy cho cách lao động nữa, tôi rất vui và cảm ơn các thầy cô nhiều lắm.
Có thể nhận thấy rằng, việc làm của các em tuy nhỏ nhưng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực: góp một phần nhỏ làm giảm chi phí cho gia đình, cải thiện bữa ăn cho các em, đặc biệt là với các em đi học xa nhà có hoàn cảnh gia đình khó khăn phải ở bán trú. Hơn nữa, nguồn rau xanh này còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mỗi bữa ăn của các em, đồng thời góp phần rèn luyện khả năng thích ứng, tính kỷ luật, tính tự lập cho học sinh, góp phần duy trì sỹ số, nâng cao chất lượng dạy và học.
Bài và ảnh: Trung Kiên