Xây dựng sách giáo khoa theo hướng tiếp cận đầu ra

Tại các nước phát triển, các chương trình và sách giáo khoa (SGK) được xây dựng theo hướng tiếp cận đầu ra, coi trọng việc phát triển năng lực hành động, đặc biệt là năng lực phát triển bền vững của học sinh. Đây cũng là một mục tiêu cho chương trình và SGK sau năm 2015 của Việt Nam..


SGK phải gần gũi với học sinh


“Phát triển SGK sau năm 2015 phải bám vào những quan điểm giáo dục hiện đại như lấy học sinh làm trung tâm, công nghệ giáo dục và giáo dục phát triển bền vững”, PGS. TS Trần Đức Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Viện nghiên cứu sách và học liệu giáo dục, khẳng định.

 

Một quầy bán sách, vở và đồ dùng học tập của Công ty Phát hành sách và Thiết bị trường học TP Hồ Chí Minh phục vụ các em học sinh.
Phương Vy-TTXVN


Là người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về cách xây dựng chương trình và biên soạn SGK tại các nước phát triển, PGS. TS Trần Đức Tuấn cho biết, xu hướng xây dựng chương trình, biên soạn SGK theo hướng phát triển năng lực đang phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước tiên tiến, nhằm đáp ứng những đòi hỏi và thách thức xã hội hiện đại.


Tại các nước này, chương trình SGK xây dựng theo hướng chú trọng đến việc phát triển các tri thức khoa học cơ bản của nhân loại, như: Toán học, Vật lí, Hóa học, Lịch sử, Địa lý... Trong các môn học riêng biệt, đề cao khả năng ghi nhớ và tái tạo kiến thức sẵn có của học sinh, thì các chương trình và SGK mới được xây dựng theo hướng tiếp cận đầu ra, coi trọng việc phát triển năng lực hành động, đặc biệt là năng lực phát triển bền vững của học sinh, giúp học sinh sau khi rời ghế nhà trường có khả năng sống bền vững và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động kinh tế - xã hội.


Còn theo GS.TS Nguyễn Lộc, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và TS Bùi Việt Phú, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thì việc biên soạn và phát triển SGK phổ thông phải tuân theo định hướng xây dựng chương trình sau năm 2015, kiến thức sẽ chú trọng vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi, nhằm hình thành năng lực, giúp học sinh giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.


Chia sẻ kinh nghiệm, GS Leif Oestman (ĐH Tổng hợp Uppsala, Thụy Điển) cho biết, trước đây, SGK phổ thông của Thụy Điển đã được biên soạn theo quan điểm thuần túy và khoa học, có nội dung và cấu trúc nặng tính hàn lâm, học sinh khó tiếp thu. Nhưng gần đây, Thụy Điển đã có những đổi mới một cách căn bản trong quan niệm xây dựng chương trình và biên soạn SGK. Các SGK mới được thiết kế theo quan điểm của khoa học ứng dụng, trong đó việc trình bày kiến thức, kỹ năng hướng tới và liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của học sinh. Việc tích hợp lồng ghép các giá trị của đời sống được coi trọng đặc biệt. Và đã có những phản ứng tích cực từ phía học sinh, phụ huynh cũng như xã hội.


Chưa thể có ngay nhiều bộ SGK

Thực tế, tại các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, để học sinh bắt kịp theo chương trình SGK hiện nay là khá khó khăn. Theo nghiên cứu thực địa của Ths Bùi Thị Diển (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), ở các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lào Cai... tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng rất cao, trẻ lại rất nhút nhát, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai đầy mới mẻ và lạ lẫm, nhiều em vào lớp 1 mà vẫn chưa biết hoặc biết ít tiếng Việt, chương trình học hiện hành trở nên quá sức so với các em. Nhiều em học đến lớp 3, lớp 4, nhưng trình độ chỉ bằng học sinh lớp 1, chưa biết đọc, biết viết. Tình trạng lưu ban, học nhầm, ngồi nhầm lớp ở miền núi là khá phổ biến. “Nhiều nước trên thế giới đã phân chia giáo dục theo vùng, miền, do đó, tùy thuộc vào tính chất từng vùng miền mà có chương trình học, độ tuổi học sinh khác nhau, chúng ta nên học tập theo mô hình đó”, Ths Diển đề xuất.


Nói về hạn chế của bộ SGK khi sử dụng trong trường học, theo TS Hoàng Thị Tuyết, khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh), việc dạy học lấy học sinh làm trung tâm đã bị hạn chế do chính sách giảng dạy thống nhất theo một bộ SGK quốc gia.


Đồng tình với quan điểm trên, GS Nguyễn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, với một chương trình quốc gia, nên có nhiều bộ SGK. Bộ GD - ĐT là cơ quan trực tiếp thẩm định và cho phép sử dụng nếu đảm bảo chất lượng. Nhưng số bộ sách không nên quá nhiều, có thể biên soạn theo 3 vùng: Đô thị, nông thôn và vùng miền núi, dân tộc thiểu số.


Tuy nhiên, phương án một bộ sách hay nhiều bộ SGK đều có mặt mạnh mặt yếu riêng. Theo GS Đinh Quang Báo, Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới SGK, mỗi phương án chỉ tối ưu cho một bối cảnh, tương ứng với các điều kiện nhất định của thực tiễn trường phổ thông. Chẳng hạn, nếu chương trình chuẩn quốc gia được thiết kế đủ chi tiết và tường minh, thì có thể dạy học theo các bộ SGK, tài liệu khác nhau, để đạt được hiệu quả giáo dục, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình. Đồng thời, trình độ giáo viên phải tinh thông về kỹ năng tổ chức quá trình sư phạm. Mặt khác, phương án này cũng đòi hỏi một sự mô tả chuẩn đầu ra của kết quả học tập.

Nghĩa là cần có công cụ kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục khách quan, công bằng và chính xác. Bên cạnh đó, đòi hỏi một cơ chế quản lý tự chủ, tự chịu trách nhiệm với chất lượng và sản phẩm đào tạo theo yêu cầu của xã hội các cấp quản lý giáo dục, đặc biệt là của từng nhà trường phổ thông. Với những yêu cầu này thì nhà trường phổ thông của ta chưa hoàn toàn đáp ứng được. Vì vậy cần có bước đệm đến phương án một chương trình nhiều bộ SGK.


Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN