Đau đầu là triệu chứng rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân. Bệnh đau đầu có hai loại chính: Đau đầu nguyên phát (không rõ nguyên nhân) và đau đầu thứ phát (do các nguyên nhân bệnh lý gây nên, có thể là bệnh nhẹ nhàng, có thể là bệnh nặng). Ngoài ra, rối loạn cảm xúc cũng có thể dẫn tới đau đầu.
Người bệnh nên đi khám bệnh sớm để được can thiệp nhanh và kịp thời trong các trường hợp sau:
- Đau đầu kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần không khỏi. Dùng thuốc giảm đau có cải thiện nhưng sau đó cơn đau lại tái phát.
- Đau đầu kèm các rối loạn thần kinh (mất thăng bằng, yếu người, rối loạn ngôn ngữ, nhìn đôi…)
- Đau đầu kèm buồn nôn và nôn kéo dài
- Đau đầu kèm các rối loạn tâm thần, mất ý thức, động kinh, co giật.
- Đau đầu kèm theo sốt, cổ cứng
- Đau đầu xuất hiện đột ngột và đau dữ dội
- Đau đầu khiến bạn thức giấc hoặc đau tăng lên khi nằm
- Đau đầu khác với các cơn đau đầu đã từng bị trước đây
Trong trường hợp bị đau đầu nhẹ, không kèm các dấu hiệu bệnh lý khác, người bệnh có thể tự dùng thuốc giảm đau. Nhưng lưu ý, chỉ dùng thuốc giảm đau bậc 1 được Tổ chức Y tế thế giới đề xuất, cụ thể: Paracetamol và Aspirin. Theo khuyến cáo của các thầy thuốc, để an toàn, nên chọn dùng Paracetamol và nếu là người lớn, uống không quá 10 ngày, còn trẻ con uống không quá 5 ngày, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
Mạnh Minh (Theo trang thông tin Sở y tế TP Hồ Chí Minh)