Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù tái cơ cấu ngân hàng 5 năm qua đạt nhiều thành tựu, song điều các chuyên gia lo ngại là nhiều kết quả chưa thực sự vững chắc, đặc biệt là trong xử lý nợ xấu.
Nhiều điểm nghẽn
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, nhiều ngân hàng (NH) có tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, nhiều NH phân loại nợ “chưa phù hợp”, khiến việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ, kể cả những NH lớn bậc nhất hệ thống. Còn ở nhóm ngân hàng yếu kém, nợ xấu càng đáng lo, có những tổ chức tín dụng (TCTD) nợ xấu lên đến 20 - 30%.
Xử lý nợ xấu vẫn đang là vấn đề nan giải với nhiều ngân hàng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho hay đó cũng là lý do tại cuộc họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội chiều ngày 14/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định mức nợ xấu không thể dưới 3%. Theo đó, việc xử lý nợ xấu đối với các TCTD này cũng là vấn đề hết sức nan giải, khó khăn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD vì có nhiều điểm nghẽn. Theo đó, điểm nghẽn thứ nhất là về định giá nợ xấu. Có thể thấy hiện nay, nợ xấu VAMC mua lại của các TCTD chủ yếu theo giá trị sổ sách, nghĩa là không đúng giá trị thị trường. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu của VAMC vẫn đi theo cách thức cũ mà các ngân hàng thương mại (NHTM) trước đây vẫn thường làm, đó là bán các tài sản thế chấp hoặc hỗ trợ các NHTM xử lý nợ xấu thông qua việc gia hạn, khoanh nợ, hối thúc thu hồi nợ... Việc xử lý nợ xấu theo giá thị trường (theo Nghị định 69/2016 có hiệu lực từ 1/7) vẫn chưa được VAMC thực hiện.
Theo TS Bùi Quang Tín, đây cũng là điểm nghẽn thứ 2 vì nếu bán theo giá thị trường sẽ thường thấp hơn giá trị sổ sách, đồng nghĩa bán nợ xấu sẽ bị lỗ. Nếu bán lỗ, ai sẽ chịu trách nhiệm vấn đề này và các TCTD hay Ngân hàng Nhà nước có đồng ý bị bán lỗ nợ xấu hay không, trong khi đó vẫn chưa có quy định pháp luật nào ghi rõ vấn đề này. Do đó, VAMC vẫn chưa dám bán nợ xấu theo giá thị trường, dù rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất muốn mua nợ xấu của các TCTD. Điểm nghẽn thứ ba là vấn đề xử lý tài sản thế chấp cũng gặp nhiều khó khăn. Theo pháp luật Việt Nam, tài sản thế chấp sau khi được định giá rồi mới đem ra bán đấu giá. Nhưng nếu khách hàng có nợ xấu không đồng ý với giá đó, tài sản thế chấp buộc phải đem ra tòa xử lý. Sau khi tòa xử lý thì vụ án được chuyển qua thi hành án, nhưng thời gian xử lý thi hành án lại nhiêu khê, thời gian kéo dài có thể từ vài năm đến chục năm, thậm chí là vô hạn.
“Như vậy, nợ xấu trong thời gian qua chỉ mới gom lại chứ chưa được giải quyết triệt để, thậm chí còn tích tụ thêm nhiều vướng mắc. Do đó, việc xử lý nợ xấu theo dự thảo của Bộ KH&ĐT giai đoạn 2015 - 2020 khó có thể thực hiện được nếu không giải quyết được ba điểm nghẽn trên”, TS Tín nhận định.
Sớm cho phá sản NH yếu kém
Vấn đề xử lý nợ xấu đã khó, nhiều chuyên gia khác còn lo ngại nợ xấu có thể bùng phát trở lại do nhiều NH vẫn còn che giấu nợ xấu. TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng không chỉ NHTM nhà nước mà NHTM cổ phần cũng thế. Thậm chí, ngay tại thời điểm này, nhiều khoản nợ xấu vẫn nằm trong bóng tối.
Lí giải vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia cho biết nguyên nhân NHNN cho phép cơ cấu nợ theo Quyết định 780/2012/QĐ - NHNN về cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ trước đây là để tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng, doanh nghiệp. Như vậy, khi Quyết định 780 hết hiệu lực, nợ xấu sẽ có nguy cơ tăng trở lại. Do đó, nhiều NH đã cố tình phân loại sai nhóm nợ để “né” trích lập dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, rất nhiều khoản nợ xấu NH vẫn đang “ẩn” trong khoản lãi, phí phải thu. Khoản tiền này ở một số ngân hàng dao động từ vài ngàn tỷ đồng lên tới vài ba chục ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, thừa nhận nợ xấu ở một số ngân hàng trên địa bàn có dấu hiệu tăng mạnh 6 tháng đầu năm, tăng trên 3% so với mục tiêu đặt ra, thậm chí có nơi tăng trên 5%. NHNN đã yêu cầu các ngân hàng báo cáo cụ thể và đề xuất phương án giải quyết lên NHNN.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất nên sớm thực hiện việc cho phá sản các ngân hàng yếu kém, nhưng phải có lộ trình cụ thể để không ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng như trong dự thảo tái cơ cấu nền kinh tế của Bộ KH&ĐT đã đề cập, tránh như tình trạng việc mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng của NHNN như thời gian vừa qua. Theo đó, NHNN cần thống kê nợ xấu của các ngân hàng một cách chính xác, yêu cầu trích lập dự phòng đầy đủ để xem bao nhiêu ngân hàng thiếu vốn điều lệ. Ngân hàng nào quá yếu thì cần phải chấp nhận để thị trường đào thải, cụ thể là cho phá sản.
“Nếu cứ có ngân hàng yếu, NHNN lại “ôm” về, biến thành ngân hàng con thì tình hình sẽ ngày càng rối rắm, do đó cần đào thải những ngân hàng yếu kém. Tuy vậy, trước khi cho phép phá sản ngân hàng, cần phải cải tổ và tăng cường vai trò, sức mạnh của bảo hiểm tiền gửi, đồng thời tăng vị thế độc lập của Ngân hàng trung ương. Với tình hình tài chính hiện nay, chỉ cần vài ngân hàng nhỏ phá sản là bảo hiểm tiền gửi cũng đã... mệt”, TS.Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.