Tại Hội thảo khoa học đánh giá bức tranh toàn cảnh hoạt động ngân hàng năm 2012 và khuyến nghị cho năm 2013 do Học viện Ngân hàng tổ chức diễn ra ngày 25/12, vấn đề xử lý nợ xấu, sắp xếp, tái cấu trúc hệ thống… được xác định là những nhiệm vụ cấp bách được đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm 2013.
Trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Gần đây nhất là đợt giảm lãi suất kể từ ngày 24/12, ngay sau đó, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ lãi suất huy động ngắn hạn từ 9% xuống còn 8% như: Ngân hàng Đại dương, Ngân hàng kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...
Ông Nguyễn Đức Trung, Viện phó Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng ( Học viện Ngân hàng) cho rằng, khoảng 80% tổng số nợ xấu đang có tài sản đảm bảo thì có tới 57% được đảm bảo bằng bất động sản. Đại diện Học viện Ngân hàng đã đưa ra 3 kịch bản để giải quyết vấn đề nợ xấu. Theo đó, kịch bản một: Nếu nền kinh tế phục hồi nhanh, việc xử lý tài sản đảm bảo trở nên nhanh chóng; kịch bản hai là nền kinh tế được phục hồi dần dần thì mức độ thu hồi giá trị tài sản đảm bảo đạt mức trung bình hòa vốn khoảng 50%; kịch bản thứ ba, khi nền kinh tế chưa thoát khỏi tình trạng suy thoái, việc phát mại tài sản đảm bảo vô cùng khó khăn. Theo ông Trung, việc thanh lý mạnh các tài sản thế chấp này sẽ tiếp tục khiến giá bất động sản và tài sản khác giảm sâu thêm, khi đó, mức độ thu hồi giá trị tài sản đảm bảo sẽ vào khoảng 30%.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam- BIDV, tốc độ tăng nợ xấu năm 2012 đã ở mức kỷ lục. Về lợi nhuận, năm nay đa số các ngân hàng giảm 30- 60% và nếu tính sâu hơn, một số ngân hàng nhỏ nợ quá hạn 40% thì không còn lợi nhuận. Vì vậy, 2013 sẽ là năm của xử lý nợ xấu, tiếp tục tái cơ cấu, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và ngân hàng, thanh lọc hệ thống.
Minh Phương