Giới trẻ Việt Nam ngày nay rất háo hức chào đón những lễ hội phương Tây như Noel hay Halloween.
Ở đây cho phép tôi được chia sẻ ý nhỏ thế này.
Giới trẻ Việt Nam đa phần thích “nhập khẩu” văn hóa hơn “xuất khẩu”. Điều đáng nói là “cán cân xuất nhập khẩu” ấy lại chênh lệch quá nhiều. Chúng ta chưa thể quảng bá gì nhiều cho những nét đẹp của dân tộc vươn xa ra thế giới, nhưng chúng ta lại tiếp nhận ồ ạt một cách vô tội vạ văn hóa nước ngoài vào Việt Nam. Người phương Tây nói chung, có lẽ họ rất tự hào về lễ hội của họ, vì chúng được cả thế giới đón nhận, tổ chức, tham gia. Người Việt Nam có bao giờ tự đặt ra câu hỏi rằng: Nước mình có từng tự hào như vậy không? Câu trả lời có lẽ là “không”, vì mình có cái gì có thể ảnh hưởng toàn cầu đâu. Vậy là người Việt Nam, bạn có bao giờ đặt ra câu hỏi: Chúng ta phải làm gì?
Đó là một phần trách nhiệm rất quan trọng với người Việt nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.
Ở đây, điều tôi muốn nói không hẳn là tham vọng để văn hóa Việt Nam có sức ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng nếu chưa thể làm được, thì ít ra bản thân chúng ta - những người Việt cũng phải giữ được nó trước đã.
Nhưng giữ bằng cách nào? Trước tiên, phải xác định rằng nếu bản thân chúng ta không thấy văn hóa Việt là hay là đẹp, không tự hào, không trân trọng, hay nói gọn lại là không yêu nó, thì làm sao có thể giữ gìn được.
Điều đó cũng đồng thời là sự nhắc nhở về việc hạn chế “nhập khẩu” ồ ạt một cách vô tội vạ văn hóa nước ngoài. Cũng giống như không phải hàng xóm mặc trang phục gì mình cũng phải mua theo, biết đâu trang phục có sẵn trong mình đẹp hơn thì sao? Sao chép sản phẩm người khác sao có thể bền vững bằng sản phẩm do chính mình sáng tạo ra? Tài sản gia đình chúng ta sẵn có, nhưng chỉ là chúng ta không trân trọng mà cứ mãi mơ tưởng về tài sản của anh hàng xóm.
Nhiều người nói giới trẻ Việt Nam ngày nay sính ngoại. Tôi không tán đồng ý kiến đó. Rõ ràng là trong cuộc sống hằng ngày, có rất rất nhiều bạn trẻ đã và đang trân trọng, tự hào, quảng bá văn hóa dân tộc. Nói cho công bằng thì không phải giới trẻ sính ngoại, mà là do bản tính tuổi mới lớn còn ham vui, sôi nổi, thích chứng tỏ, đôi khi chạy theo phong trào một cách vô ý. Điều đó có lẽ khó có thể trách ai được.
Cái chúng ta mong mỏi có lẽ là làm thế nào để người Việt có thể tự hào trước thế giới về những nét đẹp văn hóa của quốc gia mình. Chúng ta sẽ không cần phải ăn theo ai, bắt chước ai, trông ngóng ai. Ngược lại, chúng ta sẽ còn được những nước bạn ngưỡng mộ. Nhưng mà con đường đó liệu có xa xôi quá để đến đích?
Vĩnh Thông