Xung đột Syria bước sang năm thứ 5

Ngày 15/3, cuộc xung đột dai dẳng tại Syria, bùng phát từ làn sóng biểu tình phản đối chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad hồi trung tuần tháng 3/2011, đã bước sang năm thứ năm.


Lực lượng dân phòng Syria chuyển người bị thương sau cuộc không kích của quân đội Chính phủ nhằm vào các mục tiêu của lực lượng nổi dậy xuống huyện Qadi Askar, phía bắc thành phố Aleppo ngày 5/3. Ảnh:AFP/TTXVN


Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh ngày 15/3 công bố báo cáo cho biết ít nhất 215.518 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua ở Syria, trên 66.000 trong số đó là dân thường, với 10.808 trẻ em và gần 7.000 phụ nữ.


Tuy nhiên, theo Giám đốc SOHR Rami Abdel Rahman, con số này là chưa đầy đủ bởi có hàng chục nghìn người, kể cả dân thường lẫn các tay súng, được xem là mất tích,


Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết cuộc xung đột tại Syria đã dẫn tới thảm họa nhân đạo lớn nhất trong thời đại này. Khoảng 4 triệu người đã phải rời Syria ra nước ngoài lánh nạn, trong đó hơn 1 triệu tới tị nạn ở nước láng giềng Liban. Chưa kể hơn 7 triệu người phải sơ tán bên trong lãnh thổ Syria. Hiện hơn 60% dân số Syria sống nghèo khổ. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng và các chuyên gia đánh giá nền kinh tế Syria đã bị "thụt lùi" tới 30 năm. Bên cạnh đó, tình trạng xung đột và bất ổn tại Syria cũng tạo môi trường để tổ chức cực đoan "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng gia tăng hoạt động.


Liên quan vấn đề này, trong một cuộc phỏng vấn ngày 15/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận Mỹ cần đàm phán với Tổng thống Bashar al-Assad để chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.


Theo Ngoại trưởng Mỹ, Washington đang dốc sức để thúc đẩy các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria


Trước đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cho biết Washington không muốn chứng kiến chính quyền đương nhiệm ở Syria sụp đổ bởi điều này có thể mở đường cho sự trỗi dậy của các phần tử cực đoan Hồi giáo.


Các cuộc xuống đường biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu ngày 15/3/2011, tương tự như những sự kiện diễn ra trong cái gọi là làn sóng "Mùa xuân Arab" ở Ai Cập và Tunisia. Kể từ đó, tình trạng bất ổn và bạo loạn đã đẩy đất nước này vào cuộc chiến triền miên giữa chính phủ và các lực lượng chống đối. Hai vòng đàm phán hòa bình Geneva I (tổ chức tháng 6/2012) và Geneva II (cuối tháng 1/2014) nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, đã diễn ra mà không thu được kết quả đáng kể nào. Đến tháng 12/2014, chính quyền Syria và nhiều nhóm đối lập chủ chốt đã đồng ý tiếp tục tham gia đàm phán hòa bình dưới vai trò trung gian của Nga. Cuộc đàm phán giữa các bên ở Syria tại thủ đô Moskva (Nga) hồi tháng 1/2015 diễn ra trong không khí tích cực, tuy nhiên cũng không đạt được kết quả như mong muốn.


TTXVN/Tin Tức

CIA: 'Mỹ không muốn thấy chế độ ở Syria sụp đổ'
CIA: 'Mỹ không muốn thấy chế độ ở Syria sụp đổ'

Giám đốc CIA cho biết Washington không muốn chứng kiến chính quyền đương nhiệm ở Syria sụp đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN