Xuất phát từ mốc quan hệ thương mại khiêm tốn, đến nay trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã trở thành bạn hàng lớn thứ hai của Thái Lan và ngược lại Thái Lan là bạn hàng thương mại lớn thứ nhất của Việt Nam. Đặc biệt, nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan từ ngày 17–19/8/2017 sẽ tạo xung lực mới giúp quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Đối tác tin cậy Thống kê từ Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 5,67 tỷ USD (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,79 tỷ USD (tăng 23,6%) và nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan 3,88 tỷ USD (tăng 23%).
Các cửa hàng kinh doanh hàng Thái xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh: Hoàng Dương |
Hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Thái Lan nhiều nhất là hàng điện gia dụng và linh kiện chiếm 11,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại từ thị trường này, trị giá trên 454,4 triệu USD, giảm 3,2% so với 5 tháng đầu năm 2016. Kế đó là nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, ôtô nguyên chiếc, nhóm hàng rau quả và chất dẻo nguyên liệu.
Đáng lưu ý là hầu hết các loại hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Thái Lan đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nổi bật nhất là mặt hàng ngô tăng mạnh 323% so với cùng kỳ năm ngoái, trị giá 44,3 triệu USD.
Ngược lại, hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan cũng tăng mạnh ở một số nhóm hàng như hóa chất, kim loại thường, sắt thép, thuốc trừ sâu và nguyên liệu, đá quý, kim loại quý và sản phẩm.
Tuy nhiên, nguyên phụ liệu dược phẩm từ Thái Lan sụt giảm rất mạnh 93,4% về kim ngạch so với cùng kỳ, chỉ đạt 0,4 triệu USD. Bên cạnh đó, nhập khẩu phân bón, sữa và dầu mỡ động thực vật cũng giảm mạnh với mức giảm tương ứng 25%, 27% và 20% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Thái Lan cũng là nhà đầu tư lớn thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 8,13 tỷ USD trong 458 dự án, tính đến hết tháng 3/2017. Cơ hội hợp tác giữa hai nước còn rất nhiều và Chính phủ đang tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để tăng cường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hai nước đang tích cực đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang đặt ra nhiều cơ hội to lớn cho các hoạt động hợp tác.
Ông Nguyễn Phúc Nam cũng đưa ra dẫn chứng rằng mới đây, Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỷ USD.
Trước đó, tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Metro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD. Như vậy, chỉ riêng hai “đại gia” Thái Lan này đã sở hữu hơn 50 siêu thị trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Việt Nam và Thái Lan tuy không có chung đường biên giới nhưng có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại-đầu tư. Điều này thể hiện qua nhiều nét tương đồng về văn hóa, sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, sự năng động của giới doanh nghiệp hai nước.
Hơn nữa, việc đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Thái Lan sẽ khai thác được tiềm lực sẵn có của Việt Nam và Thái Lan để cùng thâm nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với hơn 600 triệu dân và tổng GDP lên tới 3.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chia sẻ thêm rằng: Việt Nam hiện đang là nước nhập siêu do cơ cấu mặt hàng của hai nước tương đối giống nhau, nhưng nhiều mặt hàng của bạn luôn có tính cạnh tranh cao hơn. Cùng đó, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng thường thích nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Thái Lan thay vì ở Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp Thái Lan thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại rất hiệu quả tại Việt Nam.
Nâng tầm quan hệ Nhận định về quan hệ thương mại Việt Nam-Thái Lan, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Thương mại Việt Nam – Thái Lan đã tăng trưởng hơn 40% trong những năm qua. Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu bất ổn, năm 2015 mức tăng trưởng vẫn đạt 10% với tổng kim ngạch lên tới gần 13 tỷ USD.
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch thương mại 20 tỷ USD như cam kết, Việt Nam hiện đã xóa bỏ hơn 8.600 dòng thuế và sẽ tiếp tục xóa bỏ 669 dòng thuế vào năm 2018. Cùng đó, Thái Lan cũng đã xóa bỏ hơn 9.500 dòng thuế theo cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Mặt khác, theo lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN và những hiệp định khác mà hai nước cùng tham gia thì kim ngạch song phương sẽ tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mặc dù đã có những bước tiến mạnh mẽ trong hợp tác, nhưng cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan còn rất nhiều. Về thương mại, Chính phủ hai nước đang tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng được các ưu đãi và tăng cường xuất khẩu. Về đầu tư, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và sản xuất nguyên vật liệu tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp FDI Thái Lan nói riêng và doanh nghiệp trong nước.
Do đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng hai bên cần tổ chức nhiều hoạt động, xúc tiến thương mại, đầu tư; tiếp tục khuyến khích thu hút doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh sang thị trường Thái Lan, góp phần cân bằng cán cân thương mại.
Túi xách, mỹ phẩm, quần áo có xuất xứ từ Thái Lan được ưu chuộng tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Hoàng Tuyết |
Để xuất khẩu sang thị trường Thái Lan đạt kết quả cao, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần để ý đến vấn đề giá cả, làm sao giá cả có thể cạnh tranh được với giá các sản phẩm tương tự của Thái Lan, cũng như của những nước khác xuất sang Thái Lan. Mặt khác, phải đảm bảo chất lượng. Đây là hai vấn đề phải nhanh chóng giải quyết đầu tiên, rồi mới đến các hoạt động xúc tiến thương mại khác.
Ông Phidsanu Pongwatana, Điều hành Bán lẻ tại Việt Nam của Tập đoàn TCC/BJC cho biết, TCC đang tìm kiếm những nhà cung cấp chất lượng cho mặt hàng khoai lang, vú sữa, cam sành, bơ và chanh. Hoa Đà Lạt và các sản phẩm cá da trơn đông lạnh của Việt Nam cũng là những mặt hàng tiềm năng sẽ có chỗ đứng tại thị trường Thái Lan.
Lý giải về tham vọng đưa hàng Việt sang tiêu thụ tại thị trường Thái Lan, theo ông Phidsanu, hàng nông sản của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, không những chất lượng mà giá cũng rất cạnh tranh so với hàng Thái Lan. Đặc biệt, một số mặt hàng nông sản Việt đạt chất lượng và các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm sẽ được đưa sang tiêu thụ tại thị trường Thái Lan.
Đại diện Hiệp hội kinh doanh Thái Lan-Việt Nam, ông Sanan Angubolkul cho rằng sự gia tăng nhanh chóng các doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam đã hình thành một môi trường hợp tác đôi bên cùng có lợi (win-win), đặc biệt hướng tới phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, các doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang được tạo cơ hội tiếp xúc và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái Lan nhằm trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại tại Việt Nam, với khẩu hiệu “Hướng tới toàn cầu hóa”, sự kiện “Thương hiệu hàng đầu Thái Lan 2017 sẽ diễn ra từ 17-20/8 tại Hà Nội một lần nữa thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư song phương giữa hai nước Thái Lan - Việt Nam đồng thời nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, đất nước con người Thái Lan và Việt Nam.