Người quen đi Tây Bắc chỉ biết sông Nậm Na chảy qua hai huyện Sìn Hồ và Phong Thổ của Lai Châu rồi hợp lưu với sông Đà. Đây là con sông rộng và dài nhất tỉnh Lai Châu và là huyết mạch giao thông đường thủy quan trọng nối tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Nhưng ít ai biết con sông mang tên là con nước ruộng (theo tiếng Thái, Nậm có nghĩa là nước, Na có nghĩa là ruộng, là nương) còn chở trên mình nhiều lớp phù sa văn hóa.
Tôi đã có chuyến hành trình dài gần 100km, xuôi dòng Nậm Na, qua những miền đất của người Thái, Hà Nhì, Dao, Mảng... để khám phá những nền văn hóa thú vị rực rỡ của cư dân sống bên sông và thắt lòng chứng kiến một phần văn hóa ấy đã và đang mất đi.
Nơi sông Nậm Na chảy vào đất Việt
Sông Nậm Na bắt nguồn từ con suối nhỏ tên là Bản Lĩnh (Mường Là - Trung Quốc). Đến cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu - Việt Nam) hợp lưu với dòng Pa Nậm Cúm bắt đầu hành trình trên đất Việt Nam. Từ đây, sông có tên là Nậm Na.
Nơi hợp lưu của hai con suối Bản Lĩnh và Pa Nậm Cúm tạo thành sông Nậm Na chảy vào đất Việt. |
Bây giờ Ma Lù Thàng là cửa khẩu thông thương quốc tế được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 2004. Quanh đôi bờ hai dòng Bản Lĩnh và Pa Nậm Cúm cũng không còn những bản làng người Mông, người Thái heo hút chon von bên vách núi nữa. Thay vào đó là những dãy nhà 2- 3 tầng của trạm cửa khẩu, Đồn biên phòng và tổ hợp trung tâm thương mại. Hiện tại và tương lai, Ma Lù Thàng đang là đầu mối kinh tế quan trọng để tỉnh nghèo nhất nước này cất cánh.
Đến chân cầu Hữu Nghị ngày nay, sông Nậm Na bắt đầu sứ mệnh là mạch nối giữa tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Cầu Hữu Nghị được hoàn thành năm 2004 và ở giữa chiếc cầu đầu tiên của sông Nậm Na là đường phân thủy phân chia cương vực lãnh thổ.
Đất múa Mường So- nơi phát tích những điệu xòe Thái
Từ cửa khẩu Ma Lù Thàng xuôi dòng Nậm Na khoảng 20km về đến thị trấn Mường So của huyện Phong Thổ. Tại đây Nậm Na lại hợp lưu với con suối nhỏ có tên là Pá So Na. Pá So Na có nghĩa là con nước ruộng nhỏ. Tương truyền, nơi đây là cái nôi, nơi khởi thủy của những điệu múa, điệu xòe nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Vùng đất này còn nức tiếng với những lễ hội đậm màu sắc tâm linh và những cô gái Thái đẹp đến mê hồn.
Trước ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), cả xứ Thái Mường So nằm dưới ách cai trị của vua Thái Đèo Văn Ân. Đèo Văn Ân mồ côi từ năm 15 tuổi, là người Bố Chánh (Lai Châu) được một người họ Lý ở Mường So đem về nuôi nấng. Lớn lên Ân theo Pháp làm vua xứ Thái nhưng không dám đối xử tệ bạc với người dân nơi đây.
Tương truyền, Đèo Văn Ân là ông vua đa tình và yêu các điệu múa, điệu xòe bậc nhất xứ Thái. Đèo Văn Ân có đến 12 bà vợ mà người vợ nào cũng đẹp nghiêng nước, nghiêng thành và xòe giỏi nức tiếng. Trong nhà Đèo Văn Ân nuôi đến hàng trăm gái xòe và những lễ hội xòe được Ân tổ chức từ ngày này đến tháng khác. Trước thời Đèo Văn Ân, xòe không có nhiều làn điệu. Xòe vốn chỉ là điệu múa cộng đồng dân dã được tổ chức vào các lễ hội của người Thái. Nguyên thủy, xòe chỉ là điệu múa của trai bản, gái Mường nắm tay nhau thành vòng tròn rồi nhảy theo nhịp. Nhạc cụ đệm cho xòe là đàn tính tẩu và kết hợp với trống, nhị và chiêng.
Thời Đèo Văn Ân, khắp bãi trên bờ dưới sông Nậm Na là nơi tổ chức các cuộc xòe vui bất tận. Trai Mường trên đi thuyền đuôi én sang sông, gái bản dưới xinh đẹp áo cóm về bờ sông tụ họp bắt chuyện làm quen rồi xòe. Rồi cùng nhau uống rượu ngô thơm lừng, tiếng hát gọi bạn, tiếng tính tẩu réo rắt dưới ánh lửa bập bùng tạo nên những đêm Tây Bắc trao tình mộng mị và vòng xòe cứ rộng mãi, dài mãi tưởng như bất tận.
Những điệu xòe đẹp ngây ngất vùng đất Mường So. |
Thế nhưng bây giờ xòe đã không còn giữ được bản sắc nữa, và những bãi xòe bên bờ sông Nậm Na cũng đã um tùm lau lách. Lão nghệ nhân Nông Văn Nhay, người con của Mường So, của sông Nậm Na đang cố tìm những điệu xòe cổ của người Thái để hoàn thành công trình văn hóa xòe của người Thái ở Mường So. Ông đã kỳ công tìm hiểu và ghi chép lại những điệu xòe nức tiếng như: Xòe hoa, xòe nón, xòe khăn, xòe hoa ban... Và đã được các đội văn nghệ các bản Mường So luyện tập phục vụ cho lễ hội Then Kin Pang, lễ hội Nàng Nan. Ông đang dồn những tâm huyết cuối đời để truyền dạy cho các thiếu nữ Mường So điệu xòe Xào Mỗ. Điệu Xào Mỗ có nghĩa là người con gái múa, được vua Thái Đèo Văn Ân sáng chế. “ Bây giờ nhiều động tác xòe không còn đúng nữa rồi, nó khác xưa nhiều lắm, nếu không chỉnh sửa lại thì nó có nguy cơ mất hẳn”, nâng chén rượu ngô với khách lạ, ông giãi bày tâm huyết.
Ngã ba sông huyền sử
Sông Nậm Na chạy song song với quốc lộ 4D về hướng tây khoảng 50km rồi hợp lưu với sông Nậm Tè (sông Đà) tại Mường Lay. Tại ngã ba sông Mường Lay này, sông Nậm Na đã hoàn thành sứ mệnh văn hóa và lịch sử đối với đất và người Lai Châu. Cũng tại đây, Nậm Na dành hơn 20km cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Khi Nhà máy Thủy điện Sơn La hoàn thành, ngã ba sông huyền sử này sẽ vĩnh viễn chìm trong nước, để lại những tiếc nuối cho một nét văn hóa Nậm Na.
Ngày nay, dinh thự của vua Thái đã thành một đống hoang tàn nằm ở đồi cao ngã ba sông.
Dù sao cũng còn một chút an ủi khi tỉnh, Bộ VH-TT&DL đã di dời tấm bia đá ở vách đá Pú Huổi Trò khi vào thế kỷ XV vua Lê Lợi lên lộ Đà Giang dẹp loạn Đèo Cát Hãn đã để thờ lên vách đá thuộc địa phận huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Tấm bia đá để thờ đó giờ đây đã được đặt uy nghiêm ở Khu tưởng niệm Lê Thái Tổ (Hà Nội) để hậu nhân bái vọng.
Dù sao sông Nậm Na cũng đẹp đến độ diễm lệ. Đi đến cuối hành trình của dòng sông, đã qua bao nhiêu tên đất, tên bản, đã qua những đêm xòe hoang dã đôi bờ trong tôi đã sáng lên hy vọng. Hy vọng, thủy điện sẽ làm bừng sáng cuộc sống vốn đã quá nghèo của cư dân đôi bờ Nậm Na.
Bài: Thông Thiện. Ảnh: Yên Ninh