Yên Bái tháo gỡ khó khăn phát triển giáo dục

Những năm trước đây, giáo dục vùng cao Yên Bái thường trong tình trạng một lớp học bậc tiểu học tại các điểm trường chỉ có dăm, bảy học sinh lớp ghép lại, với đủ các trình độ khác nhau. Vào ngày mùa, sau Tết Nguyên đán... tình trạng có thầy mà chẳng có trò vẫn diễn ra, vì thế có không ít giáo viên đã bỏ nghề.


Trước thực trạng đó, bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, từng bước tháo gỡ khó khăn cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản, chính sách, đề án, nhằm tạo bước đột phá trong sự nghiệp phát triển giáo dục các dân tộc Yên Bái. Trong các năm 2009 - 2012, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái đã chuyển đổi /72 trường tiểu học, THCS, tiểu học và THCS thành trường phổ thông dân tộc bán trú. Toàn tỉnh hiện có 43 trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó 12 trường tiểu học, 16 trường THCS, 15 trường tiểu học và THCS. Bên cạnh đó, còn có 55 trường có học sinh bán trú, với trên 13.800 học sinh hưởng chính sách bán trú dân nuôi.

Nhờ những chính sách hỗ trợ, học sinh vùng cao tại Yên Bái chịu khó học, tỷ lệ được xếp loại khá giỏi hàng năm tăng trung bình là 3%.

Đáng chú ý là từ năm 2013, sau khi có các văn bản như: Quyết định số 85/2010/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 1/9/2013 về việc quy định chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 1/9/2013 về việc hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tỉnh Yên Bái còn chỉ đạo các địa phương thực hiện phong trào xây dựng “Kho thóc khuyến học”, ban hành chính sách hỗ trợ tiền ăn bằng 20% mức lương cơ sở chung hiện hành cho đối tượng học sinh không thuộc đối tượng được hưởng chế độ theo các quyết định nói trên. Bằng nhiều hình thức huy động nội lực, huyện Trạm Tấu đã xây dựng thành công mô hình "kho thóc khuyến học"; huyện Văn Chấn thực hiện xã hội hóa huy động sức dân... để hỗ trợ học sinh.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái: Giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gần đây đã có chuyển biến mạnh mẽ, tỷ lệ học sinh vùng cao được xếp loại khá, giỏi hàng năm tăng trung bình 3%. Năm học 2014 - 2015, ở các trường bán trú tỷ lệ học sinh THCS khá, giỏi tăng 9,7%; tỷ lệ học lực yếu, kém giảm 8%. Tỷ lệ học sinh tiểu học bỏ học chỉ còn 0,1%, cấp THCS là 1%. Các trường phổ thông dân tộc nội trú cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ: Tỷ lệ học sinh giỏi đạt 5,2% (cao hơn tỷ lệ toàn tỉnh 1,1%); điểm bình quân thi đại học, cao đẳng xếp thứ 3 của toàn tỉnh; tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi cao hơn so với toàn tỉnh 10,5%, không có học sinh xếp loại học lực kém...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Hưng cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái tập trung thực hiện nghiêm túc chế độ, chính sách, nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của học sinh dân tộc, cũng như quan tâm, giúp đỡ những học sinh nghèo, học sinh dân tộc vùng cao; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động con em đồng bào dân tộc ra lớp, không bỏ học; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chế độ chính sách đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, không lãng phí, không thiếu sót, bất cập. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên vùng đồng bào dân tộc, tăng cường đầu tư các nguồn lực cho giáo dục dân tộc, góp phần chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phát triển giáo dục vùng cao.
Đức Tưởng
Nhọc nhằn “gieo chữ” ở vùng cao Quảng Nam
Nhọc nhằn “gieo chữ” ở vùng cao Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trải dài trên một diện tích rộng lớn, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh mẫu giáo và tiểu học đến lớp, ngay ở các thôn bản đã xây dựng điểm trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN