Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/7/1976 – 2/7/2020), TTXVN thực hiện hai bài viết về truyền thống giai cấp công nhân TP Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, tích cực thi đua lao động sản xuất xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại cùng cả nước hội nhập và phát triển, phồn vinh, giàu đẹp như Bác Hồ hằng mong đợi.
Bài 1: Tự hào 45 năm công nhân thành phố mang tên Bác
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, TP Hồ Chí Minh đã không ngừng thay đổi và lớn mạnh với những thành tựu vượt bậc từ khi chính thức được vinh dự mang tên Bác Hồ. Trong thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ công nhân lao động đã và đang ngày đêm chung sức, đồng lòng xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Nơi khởi nguồn nhiều hoạt động, phong trào thi đua yêu nước
Ngay trong những năm đầu giải phóng, hàng vạn thanh niên công nhân thành phố hăng hái lên rừng, xuống biển, khai hoang, mở lối đào kênh. Hàng vạn công nhân vào nhà máy, xí nghiệp với khí thế ngút trời của những ngày quê hương được độc lập, đất nước thống nhất.
Chị Nguyễn Thị Hường, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quận 3, nhớ lại: Những năm đầu sau giải phóng, trên công trường hay trong nhà máy, xí nghiệp luôn rộn ràng tiếng máy, tiếng cuốc, tiếng xẻng, tiếng gọi nhau í ới sau giờ tan ca. Công nhân ngày ấy thường chân lấm, tay bùn, lấm lem dầu nhớt bởi hầu hết còn “non kinh nghiệm”.
“Dẫu không làm ra nhiều của cải vật chất hay độ tinh xảo cao như ngày nay nhưng khí thế thi đua lao động sản xuất ngày ấy luôn rộn ràng. Nhiều nhà văn, nhà báo, văn nghệ sỹ đã ghi lại không khí nô nức, thi đua trên nhiều tác phẩm thơ văn, báo chí, phim, ảnh, âm nhạc… rất thành công”, chị Hường chia sẻ.
Các nhà báo kỳ cựu của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Sài Gòn Giải phóng, Tuổi Trẻ được phân công phụ trách mảng công nghiệp, nông nghiệp, thanh niên công nhân lúc bấy giờ đã có nhiều bài viết về tinh thần lạc quan, hăng hái trong thi đua lao động sản xuất của công nhân Sài Gòn, nhất là khi chính thức đổi tên TP Hồ Chí Minh trên các trang báo. Hình ảnh từng lớp người trên công trường, những giọt mồ hôi của công nhân trong xí nghiệp hay những gương mặt xinh tươi trong nhà máy dệt… luôn là đề tài, là khoảnh khắc đẹp của các phóng viên ảnh, đạo diễn, nhà làm phim tại thời điểm đó.
Tương tự, giới văn nghệ sỹ cũng có nhiều tác phẩm thành công với hình ảnh người công nhân mộc mạc, giản dị; người lao động làm việc rất hăng say còn phong trào thi đua thì rất sôi nổi. Chị Hường cho rằng chính từ những khoảnh khắc đó, các nhạc sỹ đã cho ra đời những ca khúc vang tiếng một thời như: “Bài ca người lao động” của Phạm Trọng Cầu, “Em ở nông trường, em ra biên giới” của Trịnh Công Sơn, “Một đời người, một rừng cây” của Trần Long Ẩn, “Thành phố trẻ” của Trần Tiến, “Mùa xuân bên cửa sổ” của Xuân Hồng…
Bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thành phố đã xây dựng nhiều khu chế xuất tập trung như: Tân Thuận, Linh Trung… Từ năm 1995 - 2002, thành phố bước vào con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa; đến năm 2012 xây dựng thêm khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo, Tân Thới Hiệp, Tam Bình, Tây Bắc Củ Chi, Công nghệ cao, Hiệp Phước Nhà Bè… Các khu công nghiệp, khu chế xuất không những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố mà còn là nơi để nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo thêm nhiều của cải, vật chất, sản phẩm mới, hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố), từ phong trào thi đua yêu nước, năm 2000, Liên đoàn phối hợp cùng Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức Giải thưởng Tôn Đức Thắng nhằm biểu dương, tôn vinh những công nhân lao động tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi - lao động sáng tạo”, trong hoạt động Công đoàn và xây dựng giai cấp công nhân thành phố.
Đến nay, thành phố đã vinh danh 180 công nhân ưu tú có hàng ngàn công trình, sáng kiến “ích nước, lợi nhà” trên các lĩnh vực, ngành nghề, nhất là 4 ngành công nghiệp trọng điểm như: Cơ khí chế tạo; Điện - Điện tử công nghiệp; Hóa chất – Cao su, Nhựa; Chế biến tinh lương thực, thực phẩm. “Mỗi sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người lao động không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn góp phần tăng lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, ông Đô khẳng định.
Cùng với giải thưởng dành cho công nhân, cho cán bộ Công đoàn xuất sắc, TP Hồ Chí Minh còn có giải thưởng sáng tạo, giải thưởng môi trường, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu… dành cho nhiều đối tượng ở các lĩnh vực, ngành nghề. Thành phố cũng là cái nôi khởi nguồn của nhiều phong trào như: Phong trào Bàn tay vàng, Tháng công nhân; các chương trình chăm lo cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, xa quê; Trái tim nghĩa tình, học bổng Nguyễn Đức Cảnh; Đồng hành cùng doanh nghiệp… Các phong trào này đã và đang lan tỏa trên khắp cả nước.
Nhìn lại phong trào đua yêu nước trong những năm qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, cho rằng chính phong trào thi đua đã tạo động lực cho sự phát triển và cổ vũ, khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thành phố, giúp thành phố luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, là trung tâm về nhiều mặt của cả nước. “Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân thành phố vẫn luôn tràn đầy nỗ lực vươn lên, càng khó khăn càng thể hiện bản lĩnh và khát vọng lớn để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Người thủ lĩnh công nhân lao động trong thời kỳ mới
TP Hồ Chí Minh là một trong những cái nôi khởi nguồn của nhiều phong trào thi đua yêu nước, sáng tạo. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình với hàng nghìn sáng kiến, giải pháp hữu ích trên hầu hết các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Một trong những điển hình được Liên đoàn Lao động thành phố tuyên dương gần đây là kỹ sư trẻ Nguyễn Ngọc Chiến, người phụ trách các thiết bị xếp dỡ, cần cẩu Công ty cảng Bến Nghé. Người công nhân này có hơn chục sáng kiến được ứng dụng vào công việc thực tế, làm lợi cho doanh nghiệp gần 4 tỉ đồng, đồng thời giúp nhiều người lao động nâng cao năng suất, tăng thu nhập.
Với chyên ngành là Kỹ sư điện, anh Chiến luôn ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các sáng kiến nhằm thuận tiện điều khiển, giám sát thiết, nhất là khi cần xử lý hay sửa chữa ngay. Nhờ việc viết phần mềm cho thiết bị nên chỉ cần cú nhấp chuột là biết bệnh của máy và khi ứng dụng cải tiến anh càng tự tin hơn với các sửa chữa lớn, tiết kiệm chi phí lắp đặt và giảm thiểu thời gian dừng máy của các thiết bị lớn
Gần 10 năm găn bó với nghề, anh Chiến cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, an toàn, tiết kiệm cho các đồng nghiệp; thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến kỷ thuật trong đơn vị. Anh cũng đã vinh dự nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng, danh hiệu Người thợ trẻ giỏi toàn quốc và là một trong những Công dân trẻ tiêu biểu của thành phố, điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
Chị Đỗ Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần địa ốc Him Lam (quận Bình Thạnh), không chỉ là người có nhiều giải pháp hay, hiệu quả làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng mỗi năm mà chị còn là trung tâm của đoàn kết và hành động bởi bản lĩnh của “người thủ lĩnh” công nhân trong thời kỳ mới. Sự mạnh dạn, thẳn thắn, gương mẫu trong công việc của chị khiến mọi người cảm nhận được tác phong công nghiệp, phong cách làm việc mới; làm có trách nhiệm, có tinh thần cầu tiến...
Chị Hằng còn lập hộp thư điện tử để trưng cầu, ghi nhận các kiến nghị, góp ý; lập trang fanpage để công bố, giới thiệu các hoạt động công đoàn và chuyên môn của doanh nghiệp; đề xuất xây dựng bếp ăn an toàn, hợp vệ sinh cho người lao động. Ngoài ra, chị cùng các đồng nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện, làm công tác xã hội, giúp người nghèo, hiến máu nhân đạo… qua đó tạo được sự gần gũi, gắn kết người lao động, được lãnh đạo tín nhiệm.
Là đồng nghiệp, chị Ngô Gia Lạc nhận xét, chị Hằng người mạnh mẽ, cứng rắn nhưng cũng rất hòa đồng, hết mình trong các buổi liên hoan sinh hoạt hay trong hoạt động dã ngoại, cắm trại. “Cách sống và làm việc của chị Hằng không chỉ làm thay đổi quan điểm mà còn hướng lãnh đạo doanh nghiệp đến với cộng đồng; ủng hộ nhiều khoản cam kết có lợi hơn cho người lao động, cùng tham gia các hoạt động phong trào do Công đoàn phát động”, chị Lạc nhìn nhận.
Thống kê của Liên đoàn Lao động Thành phố từ năm 2000 đến nay cho thấy, Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã tuyên dương 211 gương điển hình tiêu biểu là công nhân, lao động ưu tú là những kỹ sư, công nhân thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu như: công nghiệp – điện lạnh – điện tử, ngành cơ khí – chế tạo máy, ngành nông nghiệp công nghệ cao, và ngành công nghệ thông tin… Qua giải thưởng, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động đã có hơn 78.000 đề tài, công trình nghiên cứu khoa học; gần 4.000 đề tài tham gia sáng tạo khoa học kỹ thuật, hơn 60 đề tài tiêu biểu tham gia chương trình Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam và đặc biệt là đã có hơn 260.000 sáng tiến cải tiến kỹ thuật, các công trình tiêu biểu… làm lợi gần 4.200 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Diệu Thuý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết, nhiều người trong số đó là công nhân trực tiếp sản xuất, là cán bộ Công đoàn, đảng viên tiêu biểu trong kinh doanh hay trong công tác quản lý, điều hành công việc được anh chị em đồng nghiệp tin tưởng, lãnh đạo doanh nghiệp tín nhiệm bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng. Điển hình là anh Lương Quốc Huy, Trưởng chi nhánh 6 thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Truyền hình cáp Saigontourist, sau khi giành Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2014, hiện tại anh là Phó Tổng Giám đốc công ty; anh Trương Thái Sơn, Tổ phó Tổ quản lý lưới điện 1 (Công ty Điện lực Chợ Lớn), sau Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2014 đã trở thành Phó Giám đốc công ty….
Cũng từ phong trào “Thi đua lao động giỏi - lao động sáng tạo”, nhiều anh chị em đã thành thợ cả, là lực lượng nòng cốt trong hoạt động công đoàn và là người truyền lửa nghề cho đội ngũ công nhân trẻ kế cận. “Cho dù ở cơ quan, đơn vị nhà nước hay doanh nghiệp ngoài nước, họ luôn khát khao cống hiến, là hạt nhân nòng cốt đi đầu trong các hoạt động phong trào công đoàn, góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển chung của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu”, bà Trần Thị Diệu Thúy khẳng định.
Bài cuối: Chung sức xây dựng Thành phố bằng trái tim, khối óc