Bế mạc Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh lần thứ XII

Sáng 3/10, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã bước vào phiên bế mạc với sự tham dự của 426 đại biểu, đại diện cho các tầng lớp nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên bế mạc.

Tại Đại hội, các đại biểu đã có nhiều tham luận chia sẻ về tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh. Linh mục Đinh Ngọc Lễ, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua, Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh và đồng bào giáo dân các giáo hạt, giáo xứ, dòng tu, các chức sắc, chức việc đã tích cực hưởng ứng các chương trình, phong trào, các cuộc vận động do Uỷ ban MTTQVN TP Hồ Chí Minh phát động.

Theo Linh mục Đinh Ngọc Lễ, những năm qua, Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng đã duy trì tốt công tác bác ái từ thiện tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Các Giáo xứ mỗi năm đều tổ chức thăm và tặng quà các trung tâm xã hội, bảo trợ trẻ em khuyết tật, cô nhi viện. Nhiều chuyến công tác xã hội giúp bà con vùng sâu, vùng xa có giếng nước sạch, có cầu bê tông thay cho cầu khỉ, có các lớp học tình thương, tổ chức quyên góp cứu trợ đồng bào khi xảy ra thiên tai…

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh COVID-19, các giáo xứ, dòng tu đã tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ về thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang… cho các gia đình tại khu dân cư, không phân biệt lương giáo; kịp thời hỗ trợ những gia đình có người từ trần hay nhiễm bệnh phải cách ly, các trẻ em mồ côi cha mẹ vì COVID-19 với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, với quan niệm “Yêu người như yêu chính bản thân”. Theo đó, chỉ riêng ở lĩnh vực khuyến học, giáo dục, y tế, 5 năm qua, giáo dân các xứ đạo đã chăm lo với hơn 113,4 tỷ đồng và hiến 23.013 đơn vị. máu...

Linh mục Đinh Ngọc Lễ cũng cho biết, trong 5 năm qua, đồng bào Công giáo TP Hồ Chí Minh cũng nhận được sự quan tâm khích lệ, động viên của lãnh đạo Uỷ ban MTTQVN các cấp và cả hệ thống chính trị trong việc tích cực tham gia vào các cuộc vận động cũng như các phong trào yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Tham dự Đại hội có 426 đại biểu, đại diện cho các tầng lớp nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Tương tự, Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, 5 năm qua, Phật giáo TP Hồ Chí Minh khẳng định được vai trò, trách nhiệm của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc với định hướng “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Nghĩa tình” trong sự nghiệp phát triển TP Hồ Chí Minh cùng cả nước, vì cả nước… Từ đó, Phật giáo TP Hồ Chí Minh cũng không ngừng phát huy truyền thống “phụng đạo yêu nước, hộ quốc an dân” thông qua việc đồng hành với MTTQVN TP Hồ Chí Minh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chương trình hành động trên các lĩnh vực thiết thực như: An sinh xã hội, bảo vệ môi trường, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

"Các chương trình từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh cũng giúp ích cho nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn với nhiều mô hình hay như: Tổ chức bữa cơm yêu thương; xây nhà tình thương, cầu bê tông nông thôn; trao tặng nhu yếu phẩm đến người dân khó khăn; trao tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, xe máy đến người dân khó khăn; tổ chức khám, mổ mắt từ thiện nhằm mang lại ánh sáng cho người nghèo, thăm khám tầm soát bệnh, chăm sóc người già, neo đơn, trẻ mồ côi, ủng hộ chương trình vì “Thành phố nghĩa tình - kết nối yêu thương”, ủng hộ quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”….", Thượng tọa Thích Thiện Quý cho biết. 

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên bế mạc. 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã gửi lời cảm ơn sự phối hợp, đồng hành hỗ trợ của MTTQVN TP Hồ Chí Minh các cấp; sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đã dành tình cảm, tâm huyết trong việc xây dựng, phát triển TP Hồ Chí Minh. Trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, TP Hồ Chí Minh đã đề ra 22 chỉ tiêu chính; trong đó có 14 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt, như duy trì đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học; tổng tỷ suất sinh; tỷ lệ 100% số hộ dân sử dụng nước sạch; không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước; còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố… Ngoài ra, có 5 chỉ tiêu phấn đấu đạt ít nhất từ 80% trở lên như kinh tế số; diện tích nhà ở xã hội; công viên cây xanh; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới, tái chế. Trong khi đó, 3 chỉ tiêu dự kiến không đạt gồm tăng trưởng GRDP, tổng vốn đầu tư xã hội và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.

Theo ông Phan Văn Mãi, một số chỉ tiêu khó đạt, nguyên nhân là do một phần tác động khách quan bởi dịch COVID-19; tác động của bên ngoài nhưng cũng do nội tại như cơ cấu kinh tế, điểm nghẽn về hạ tầng, về thể chế và hiệu lực hiệu quả của bộ máy. Đây là những điều đã được nhận diện để triển khai có hiệu quả hơn trong thời gian tới. 

Để giải quyết các vấn khó khăn, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn 43, xác định những trọng tâm từ đây đến cuối năm 2025, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương. Mặt khác, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Chỉ thị số 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2025; tập trung triển khai quy hoạch thành phố, quy hoạch chung thành phố và quy hoạch thành phố Thủ Đức. TP Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trương chuẩn bị trình Quốc hội đề án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 và đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2024 - 2029 tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt nhiều thành tích.

Đối với mục tiêu kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2026 - 2030, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục bám sát các định hướng để triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và thực hiện quy hoạch thành phố hiệu quả hơn. Trong đó, 3 mục tiêu nổi trội gồm: Xây dựng thành phố toàn cầu, có vị thế nổi trội trong khu vực; Thành phố giàu bản sắc, phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm và sau năm 2030, Thành phố định hướng phát triển đô thị đa trung tâm. Trong đó, khu vực lõi trung tâm TP Hồ Chí Minh và 4 đô thị ở các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc; cùng với đó là đô thị biển Cần Giờ. Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật để chuẩn bị sau năm 2030 triển khai tại các vùng.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Phan Văn Mãi mong muốn thông qua hoạt động của Mặt trận, khi Thành phố tổ chức sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân thành phố, người dân khắp mọi miền đất nước và đồng bào ở nước ngoài cảm nhận được sự phát triển của TP Hồ Chí Minh từ từng con phố, từng khu dân cư, từng chính sách đến được với người dân, chứng kiến tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân trong các hoàn cảnh khó khăn. 

“Trong nhận thức của tôi từ trước tới giờ, trong vị trí Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, tôi luôn nghĩ đóng góp của nhân dân, sức mạnh của nhân dân là lớn nhất để góp phần xây dựng Thành phố. Vì vậy, các đơn vị, đoàn thể, sở ngành phải làm sao để câu chuyện góp ý, góp sức của người dân trong quá trình xây dựng phát triển thành phố gần với việc xây dựng kế hoạch triển khai của chính quyền”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói.

Theo ông Phan Văn Mãi, sắp tới UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh nên có chương trình “Sáng kiến nhân dân xây dựng thành phố”; Mặt trận cũng cần tích cực tham gia đóng góp trực tiếp cho các công trình, dự án lớn của thành phố như: đường sắt đô thị, đường Vành đai 4… Dự kiến, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng cơ chế phát hành trái phiếu TP Hồ Chí Minh, chẳng hạn như trái phiếu đường sắt đô thị... để huy động sức dân cùng tham gia. Vì vậy, Mặt trận cũng cần chung sức cùng Thành phố thực hiện các dự án và sớm đưa dự án này vào hoạt động.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Đội ngũ cán bộ Mặt trận cần tinh gọn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
TP Hồ Chí Minh: Đội ngũ cán bộ Mặt trận cần tinh gọn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Theo ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP Hồ Chí Minh cần một đội ngũ nhân lực chất lượng, hiệu quả, đổi mới, sáng tạo. Các cấp cần sắp xếp nhân lực hợp lý, hiệu quả gắn với tinh gọn đội ngũ, bộ máy để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN