Kiên quyết đình chỉ doanh nghiệp vi phạm quy định phòng chống dịch
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, đối với việc kiểm tra các cơ sở phải ngưng hoạt động và hạn chế theo quy định của Thành phố, cấp quận và phường đã có 763 đợt kiểm tra với 3.092 cơ sở; trong đó có 526 cơ sở bị nhắc nhở, 5 cơ sở bị tạm ngưng hoạt động, 144 cơ sở bị xử phạt (trong đó có 34 cơ sở bị xử phạt lần 2) với tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng.
"Những cơ sở bị xử phạt lần 2 nếu bị xử phạt lần nữa sẽ đình chỉ hoạt động", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị.
Về việc đeo khẩu trang, các quận, huyện đều ra quân kiểm tra, trong giai đoạn đầu chủ yếu là nhắc nhở, sau đó là xử phạt theo quy định và đã có 66 trường hợp bị nhắc nhở, 485 trường hợp bị xử phạt.
Theo ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, từ ngày 3/5 đến nay, quận đã thành lập 2 đội kiểm tra liên ngành của quận và 20 đoàn kiểm tra ở các phường. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt 61 cơ sở vi phạm về công tác phòng chống dịch với tổng số tiền xử phạt hơn 76 triệu đồng; đồng thời cũng đã xử phạt 149 người vi phạm quy định đeo khẩu trang với số tiền phạt 297 triệu đồng. Bên cạnh đó, quận cũng đã tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống, trong đó 3 cơ sở bị phạt 2 lần, nếu vi phạm nữa sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.
“Đặc điểm quận Bình Thạnh có nhiều bờ kè ở một số tuyến sông. Trong thời gian gần đây, thời tiết nóng nên đông người tập trung ăn uống, hóng mát ở các khu vực bờ kè. Quận cũng đã cho "cắm chốt" ở các khu vực bờ kè để kiểm tra, theo dõi việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại các cơ sở ăn uống”, ông Đinh Khắc Huy cho biết thêm.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt, phải vận động các cơ sở hợp tác cùng địa phương phòng, chống dịch. Kiên quyết đình chỉ, rút giấy phép hoạt động nếu doanh nghiệp nào vi phạm quy định phòng chống dịch.
“Trong tình hình hiện nay, một số hoạt động phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn vì sức khỏe cộng đồng và lợi ích lâu dài của toàn xã hội. Nếu địa phương không dứt khoát, không quyết liệt trong phòng chống dịch thì sẽ không đạt yêu cầu, hiệu quả. Sự nỗ lực của chính quyền thôi chưa đủ mà phải có sự đồng thuận của người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tiếp tục nhấn mạnh.
Đối với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố cũng lưu ý phải tổ chức ký kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và tổ công đoàn trong phòng chống dịch. Nếu doanh nghiệp vi phạm cam kết sẽ phải cho ngừng hoạt động vì việc ký cam kết nhằm bảo vệ cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và bảo vệ người lao động. Riêng Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao Thành phố nâng mức kiểm soát sàng lọc dịch bệnh tại các doanh nghiệp ở mức cao nhất.
"Nếu chưa an toàn phải dừng hoạt động để chấn chỉnh và chỉ được hoạt động khi đảm bảo an toàn", ông Nguyễn Thành Phong đề nghị.
Liên quan đến các chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai 69 chốt kiểm tra, trong đó có 12 chốt kiểm tra cấp thành phố và 57 chốt kiểm tra cấp quận, huyện. Từ ngày 15/5 đến nay, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh kiểm soát khoảng 12.000 phương tiện và hơn 20 ngàn lượt người, chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ. Các chốt chặn đã thực hiện nghiêm túc, duy trì số lượng kiểm soát 24 giờ đều đặn.
Chủ động hoàn chỉnh các phương án với mọi tình huống dịch bệnh
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, Thành phố có 270 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại thành phố, 256 trường hợp điều trị khỏi (chiếm tỷ lệ hơn 94%), hiện đang điều trị 14 bệnh nhân mắc mới và 3 bệnh nhân tái dương tính (BN2704, BN2458, BN2782).
Nhận định về tình hình dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, so với 3 đợt dịch trước thì đợt dịch lần này có độ nguy hiểm cao hơn với nhiều ca nhiễm lớn ở các địa phương, chủng virus có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn trên phạm vi rộng hơn và kiểm soát khó khăn hơn.
"Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng biến chủng virus COVID-19 ở Ấn Độ cực kỳ nguy hiểm bởi lây lan nhanh và có sức đề kháng rất mạnh mẽ. Theo đánh giá của Bộ Y tế, số ca nhiễm sẽ xuất hiện trong thời gian tới do có nhiều trường hợp F1 đang được tiếp tục cách ly và được lấy mẫu", Chủ tịch UBND Thành phố dẫn chứng thêm.
Đánh giá về mức độ dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, trong 20 ngày qua Thành phố chỉ ghi nhận 1 trường hợp nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch ở Hà Nam nhưng nguy cơ bùng phát trên diện rộng là rất cao. “Dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu cả hệ thống chính trị, người dân lơ là chủ quan, mất cảnh giác; không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn hành động quyết liệt hiệu quả”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nói.
Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong lưu ý các quận, huyện và ban ngành không được phép lơ là, mất cảnh giác. Trên tinh thần giữ vững thành quả công tác phòng chống dịch, các quận, huyện thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về công tác phòng chống dịch. “Phòng chống dịch phải từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch với tinh thần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, trong đó lấy tấn công là chính. Đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và lấy điều đó là niềm vui, là hạnh phúc cho mình”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu từng cơ quan, đơn vị phải chủ động hoàn chỉnh phương án, kịch bản để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống trong phạm vi chức năng, quyền hạn và địa bàn quản lý. Thực hiện tốt công điện của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
“Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cơ quan, đơn vị không được rời thành phố, luôn trực chiến sẵn sàng phòng chống dịch”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. UBND phường xã, thị trấn công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh các trường hợp không chấp hành các quy định phòng chống dịch; đồng thời khẩn trương kiện toàn các đội tuần tra, giám sát phòng chống dịch và giải tán các trường hợp tụ tập trên 30 người ngoài các trường học, bệnh viện theo quy định.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý, các bệnh viện hiện nay cũng là tuyến đầu trong phòng chống dịch. Sở Y tế phải yêu cầu từng Giám đốc bệnh viện trình bày phương án phòng chống dịch cụ thể bằng văn bản. Một số bệnh viện của thành phố có nhiều người từ các địa phương khác đến khám và điều trị, nếu có trường hợp nào đó sẽ lan lây đến nhiều địa phương khác. Bên cạnh đó, các bệnh viện định kỳ hậu kiểm công tác phòng chống dịch theo các lĩnh vực phụ trách theo các bộ chỉ số tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch đã được ban hành. Kiên quyết đình chỉ và rút giấy phép các cơ sở vi phạm quy định phòng chống dịch.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng cần kiểm soát dịch bệnh toàn diện trên đường bộ, đường thủy, đường hàng không; phát huy vai trò các tổ nhân dân, tổ COVID-19 cộng đồng; vận động người dân đến nơi có ca bệnh phải khai báo y tế. Sở Thông tin – Truyền thông phối hợp Sở Nội vụ Thành phố kích hoạt lại Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch tại UBND Thành phố. Phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh áp dụng mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, trong đó truy vết ca nhiễm, giám sát các trường hợp cách ly tại nhà, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang được trích xuất từ camera...