Khởi sắc nhưng còn khó khăn
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, TP Hồ Chí Minh đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2023 ước tăng 6,71%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 3,2%; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,6%; tổng doanh thu du lịch ước tăng 35,8% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13%.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, quý III có nhiều tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng 6,71%, kéo theo tăng trưởng 9 tháng đạt 4,57% (6 tháng chỉ tăng 3,55%). Trong các ngành dịch vụ, chỉ duy nhất hoạt động bất động sản vẫn tăng trưởng âm, làm kéo giảm tăng trưởng GRDP của thành phố. Bất động sản giảm cũng ảnh hưởng đến ngành xây dựng và các ngành kinh tế rất lớn.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng cũng cho biết, sức mua nội địa hiện nay là một trong những yếu tố quyết định tăng trưởng và đang là điểm sáng để “bù” cho xuất nhập khẩu đang suy giảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp theo chiều hướng tích cực, trong tháng 9 tăng 8,1% so với cùng kỳ. Tín hiệu này rất đáng mừng khi đây là tháng thứ ba thành phố có mức tăng trưởng và có thể xem đã vượt qua sự quy giảm của những tháng đầu năm. Nếu sản xuất công nghiệp có tín hiệu tích cực thì sẽ góp phần duy trì thị trường nội địa.
Trong 9 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới là 37.224 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới là 342.516 tỷ đồng, tăng 13% về số lượng. Theo ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp thành lập mới tăng so cùng kỳ, được xem là bức tranh sáng. Thành phố đã kịp thời thực hiện các chính sách miễn, giảm tiền thuế, lệ phí theo quy định, trong đó miễn thuế 8.613 tỷ đồng và gia hạn 10.9 tỷ đồng. Điều này phần nào giúp cho doanh nghiệp giảm khó khăn, có thêm nguồn lực tài chính để phát triển.
Trên cơ sở khảo sát nhanh cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tình hình quý III, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại cho hoạt động xuất khẩu. Một số lĩnh vực như dệt may, hàng lương thực thực phẩm có đơn hàng trở lại. Tuy nhiên, các đơn hàng này là ngắn hạn chứ không phải dài hạn.
“Các đơn hàng chủ yếu là đơn hàng các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng thường xuyên; còn những đơn hàng mang tính chất dài hạn như lĩnh vực về gỗ và nội thất vẫn chưa có đơn hàng trở lại”, ông Hòa chia sẻ thêm.
Chuẩn bị nắm bắt cơ hội
Dù có những tín hiệu tích cực, nhưng nền kinh tế TP Hồ Chí Minh, vốn có độ mở cao, vẫn gặp nhiều thách thức. Đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm (kim ngạch xuất khẩu giảm 14,2%, kim ngạch nhập khẩu giảm 17,25%). Doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng nhưng giảm về vốn đăng ký so với cùng kỳ; thu hút đầu tư FDI giảm mạnh (giảm 34,1%). Tình hình giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ về giá trị tuyệt đối, nhưng tốc độ giải ngân còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng.
Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng qua ước thực hiện 326.193 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán và bằng 93,65% so cùng kỳ. Ông Lê Duy Minh cho biết, thành phố là một trong những địa phương có số thu ngân sách đến thời điểm hiện nay thấp nhất so với bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân là TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng rất nặng nề trong đợt dịch, vẫn còn khó khăn đối với doanh nghiệp. Nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu thế mạnh như dệt may, da giày giảm sâu, trong khi nhập khẩu mặt hàng linh kiện vi tính điện tử cũng giảm; dẫn tới kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 7,2% so với cùng kỳ.
Phân tích thêm về các khoản thu và ảnh hưởng đối với hoạt động thu ngân sách trên địa bàn, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính chia sẻ, những khoản thu nhập cá nhân từ hoạt động bất động sản (chuyển nhượng, hồ sơ trước bạ nhà đất) và hoạt động chứng khoán giảm sâu. Doanh thu hiện nay của thị trường chứng khoán chỉ đạt bình quân là 10.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong khi năm 2022 bình quân là khoảng 30.000 tỷ đồng.
Dựa trên hai từ khóa quan trọng là “chu kỳ kinh tế” và “độ trễ chính sách”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh Trương Minh Huy Vũ phân tích, khả năng rất cao thành phố sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% như đề ra. Dù Thành phố có những nỗ lực nhưng không thể thoát được “chu kỳ kinh tế” suy giảm và độ trễ chính sách.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ, các dự báo quốc tế chỉ ra, chu kỳ kinh tế sẽ trở lại từ quý II năm sau. Do đó, trong quý IV năm nay dù TP Hồ Chí Minh có đà phục hồi nhưng không thể bứt phá mạnh được, mà phải qua Tết mới bắt đầu có xu hướng tốt hơn. Quan trọng là khi chu kỳ kinh tế trở lại, Thành phố phải nắm bắt để bứt phá. Trong quý IV, Thành phố phải tập trung hơn nữa những giải pháp ứng phó, ứng biến đã thực hiện, trong đó tập trung mạnh mẽ vào đầu tư công, động lực trong suốt 9 tháng qua và tiếp tục kích thích tiêu dùng.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, tăng trưởng của quý III ước đạt 6,7%, trong khi quý II là 5,8% giúp “bù” cho quý I chỉ đạt 0,7%. Cộng chung đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố là 4,5%. Đây là điều đáng mừng, so với chính bản thân thành phố, bởi theo đà tiến từng bước, ngày càng tăng. Cùng với tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa xã hội, chăm sóc sức khỏe, giải quyết việc làm... của thành phố cũng đạt được nhiều kết quả tích cực qua những con số ấn tượng.
Lưu ý các đơn vị đưa ra nhiều giải pháp nhưng không được nóng vội, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trước mắt tập trung giải ngân đầu tư công trong ba tháng tới và tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa. Việc mua sắm công, chi tiêu công cũng phải được chú ý, phải làm tốt hơn việc chi cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, chính quyền thành phố tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên quan điểm “tháo gỡ cùng doanh nghiệp, chứ không phải cho doanh nghiệp”.