Nắm bắt xu hướng mới
Trong nửa đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (GRDP) chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Dù có sự tăng trưởng vượt trội 5,87% trong quý II/2023, sau khi chỉ tăng 0,7% trong quý I, tuy nhiên kinh tế thành phố vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức, do thiếu vắng động lực tăng trưởng mới.
Dữ liệu thống kê 8 tháng của TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn mới đạt 28% tổng số vốn giao; tăng trưởng tín dụng đi lùi khi chỉ tăng 2,78% so với cuối năm 2022; thu ngân sách giảm 6,8%.Trong khi đó, lĩnh vực xuất, nhập khẩu tuy có dấu hiệu phục hồi song vẫn giảm lần lượt 15,3% và 17,3% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng chậm… Chưa kể, với mật độ dân cư đông, cơ sở hạ tầng trì trệ khiến tình trạng kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm không khí… vẫn là bài toán nan giải cho tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh.
Do đó, gần đây, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh xác định chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số, nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế thành phố; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, với những vấn đề nội tại thành phố đang đối mặt là giảm dần động lực tăng trưởng, biến đổi khí hậu... nếu không chuyển đổi xanh, không có chính sách cụ thể lâu dài, chắc chắn kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ không có năng lực cạnh tranh mới, không thể đóng góp tốt cho kinh tế cả nước. Cùng với nhận thức trên, TP Hồ Chí Minh xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận lãnh những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần thực hiện cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.
Ông Mãi cho biết, cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và gần đây Quốc hội có Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế chính sách đột phá phát triển Tp. Hồ Chí Minh. Đây là những định hướng, khung pháp lý về thể chế quan trọng để Thành phố triển khai quá trình chuyển đổi xanh được nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Đặc biệt, với việc Nghị quyết 98/2023/QH15 chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8/2023 đã mở ra một số cơ chế đặc thù hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển đổi xanh; trong đó, thành phố được phát triển điện áp mái trên các nhà trụ sở công (bệnh viện, trường học…) ; thu hút nhà đầu tư chiến lược trong dự án về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; thí điểm cơ chế tài chính trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon…
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, nhóm chính sách về kinh tế xanh và chuyển đổi xanh là một trong những điểm mới đáng chú ý trong Nghị quyết 98/2023/QH15. Đây cũng là nhóm chính sách mà bản thân ông cũng như Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh rất tâm đắc và mong muốn thúc đẩy để tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố trong giai đoạn tới.
Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, TP Hồ Chí Minh đã tăng trưởng nhanh trong 10 năm qua, nhưng tốc độ tăng trưởng không còn như mong đợi ở mức hai con số nữa. Do đó, thành phố đã và đang chọn cách tiếp cập khác, hướng suy nghĩ khác trong hơn một năm phục hồi sau đại dịch COVID-19; trong đó, phát triển xanh là một trong những hướng đi mới tạo động lực tăng trưởng cho thành phố trong giai đoạn tới.
Hiện tại, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh đang xây dựng lộ trình phát triển kinh tế xanh cho Tp. Hồ Chí Minh. Đề án về định hướng phát triển công nghiệp TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, do Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đưa ra cũng xác định sẽ thí điểm chuyển đổi 5/17 khu công nghiệp theo hướng nhấn mạnh yếu tố xanh.
Song song đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện thí điểm chương trình xây dựng khu vực Cần Giờ trở thành khu đô thị tiêu biểu net-zero (trung hòa carbon) đến năm 2030. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố sau thời gian trì trệ; đồng thời góp phần thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Thực tế cho thấy, vài năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đều đang đưa kinh tế xanh làm trung tâm của kế hoạch phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu giảm khí thải nhà kính tối đa. Đây cũng là quá trình chuyển đổi mà Việt Nam phải trải qua để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và chống chọi với biến đổi khí hậu; đồng thời thể hiện quyết tâm sau cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Trong số đó, TP Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm công nghiệp, tài chính của Việt Nam sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Việt Nam.
Bên cạnh Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, về chuyển đổi năng lượng, phát triển đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu… nhằm xây dựng các thể chế, chính sách để chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn, hướng tới phát triển bền vững rõ nét hơn cho thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa được đề cập tới.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, hiện tại thành phố đang rà soát, cập nhật quy hoạch, đặc biệt là ban hành hệ thống chính sách cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các chính sách phải tập trung hỗ trợ và thúc đẩy sự chuyển đổi về năng lượng, công nghệ, mô hình sản xuất và tiêu dùng; trong đó, doanh nghiệp sẽ là trung tâm tiếp nhận những chính sách này để triển khai và doanh nghiệp cũng sẽ đi đầu trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi này.
Trong chiến lược tăng trưởng xanh trên địa bàn, UBND TP Hồ Chí Minh xác định, lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp. Các giải pháp sẽ hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh tháng 9 tới đây sẽ kích hoạt lại chương trình kích cầu đầu tư, dự thảo đã đưa nội dung có hỗ trợ về mặt vốn vay và lãi suất cho các dự án thực hiện quá trình chuyển đổi xanh. Theo đó, doanh nghiệp có dự án xanh hoặc chuyển đổi xanh sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất bằng 0 hoặc bù lãi suất 50% trong thời hạn 7 năm thông qua Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC).
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như những khuyến nghị cho quá trình chuyển đổi xanh ở TP Hồ Chí Minh sẽ được các cơ quan quản lý, giới chuyên gia đưa ra thảo luận nhiều hơn trong chuỗi sự kiện Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2023 diễn ra từ ngày 13-17/9 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0.
Sự kiện xoay quanh các chủ đề chính như Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị như TP Hồ Chí Minh; nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; bài học, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; thực trạng của TP Hồ Chí Minh và giải pháp trong quá trình áp dụng mô hình tăng trưởng xanh...
Qua đó, thể hiện mục tiêu, nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong việc hướng tới tăng trưởng xanh để đáp ứng với sự đòi hỏi của thế giới trong tình hình mới.