Khó giải quyết dứt điểm tình trạng ngập
Là người có hơn 50 năm công tác trong lĩnh vực cấp thoát nước, Kỹ sư Vũ Hải, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa và Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố lớn của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo thời gian, nhiều khu vực sẽ tiếp tục ngập nặng nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời. Với bất lợi về thời tiết như thế này, việc chấm dứt hoàn toàn tình trạng ngập không thể thực hiện trong một sớm một chiều.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa của Thành phố đang diễn ra quá nhanh, trong khi hệ thống cống thoát nước hiện hữu lại được xây dựng từ lâu, năng lực thiết kế không thể đáp ứng năng lực thoát nước tại thời điểm hiện nay. Vì vậy, vào các thời điểm mưa lớn, kéo dài kết hợp triều cường sẽ khiến cho việc tiêu thoát nước càng trở nên khó khăn, không tránh khỏi tình trạng ngập trong khu vực đô thị.
Đơn cử như tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), một trong những điểm ngập dai dẳng nhất của Thành phố nhiều năm qua vẫn tiếp tục ngập trong mùa mưa năm nay dù đã lắp máy bơm nước. Nguyên nhân là do vũ lượng thường xuyên vượt tần suất thiết kế máy bơm. Ngoài ra, hệ thống cống thoát nước khu vực này đang bị lún sụt, quá tải trong khi hệ thống cống dẫn nước từ đường về trạm bơm lại chưa đủ tiết diện. Do vậy, công suất máy bơm dù đáp ứng được cũng phải mất một khoảng thời gian để trạm bơm nước ra ngoài sông.
Tuy nhiên, ông Vũ Hải cho rằng, nếu so sánh với khu vực nằm ngoài phạm vi hoạt động của máy bơm, những đoạn trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh có lắp máy bơm chống ngập như khu vực trước chung cư The Manor sẽ thấy, tình trạng ngập đã giảm đáng kể, nước rút hết trong vòng 5 phút ngay sau khi tạnh mưa so với thời gian 15-30 phút trước khi có máy bơm. Có thể thấy, việc lắp máy bơm tuy chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ngập, nhưng là phương án khả thi nhất để cải thiện thời gian và mức độ ngập của Thành phố vào thời điểm này.
Theo Tiến sỹ Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng ngập lụt của Thành phố còn do một bộ phận người dân thiếu ý thức, xả rác bừa bãi ra các miệng hố ga, cống thoát nước khiến hệ thống thoát của thành phố bị tê liệt, gây ngập nước cục bộ cho nhiều khu vực. Điển hình tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều năm qua, toàn tuyến kênh A41 và một phần kênh Hy Vọng bị người dân xả rác đến tắc nghẽn dòng chảy, khi có mưa lớn nước không thể thoát, gây ra tình trạng ngập nước thường xuyên cho khu vực Sân bay.
Một nguyên nhân khác, theo ông Dư Phước Tân, là do thiếu kinh phí, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, nhiều dự án hạ tầng có chức năng chống ngập không được triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ. Điển hình như Dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2; Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật (Quận Bình Thạnh, Gò Vấp)…
Vẫn còn phổ biến tính trạng “bức tử” kênh, rạch
Mặc dù trong giai đoạn 2016 -2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã khôi phục thành công 193 tuyến kênh, rạch bị xâm lấn nhưng cùng thời điểm đó trên địa bàn Thành phố vẫn có gần 100 tuyến kênh, rạch bị san lấp hoàn toàn. 110 tuyến kênh rạch có chức năng thoát nước và giao thông thủy, 76 tuyến cống và 41 cửa xả hiện đang trong tình trạng bị lấn chiếm nặng nề bởi hàng loạt các công trình nhà ở và hàng tấn rác thải đổ xuống mỗi ngày, khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, gây ngập nặng.
Khu vực rạch Xuyên Tâm dài 6,2 km (nối từ sông Vàm Thuật đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Quận Gò Vấp) đang được xem là nơi ô nhiễm nhất của Thành phố. Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân dọc tuyến rạch này khốn khổ vì phải ăn ngủ, sinh hoạt bên dòng kênh hôi thối, tràn ngập rác thải. Vào mùa mưa, nước tràn lên tận nhà; mùa nắng nóng, mùi hôi tanh bốc lên. Nguyên nhân của tình trạng này là do tuyến rạch bị các hộ dân cơi nới, lấn chiếm với đủ loại vật liệu.
Kênh Sáu Sửu (phường An Phú Đông, Quận 12) dài khoảng 2 km cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác từ chợ tự phát ven kênh, phân gia cầm, nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp xuống dòng kênh mỗi ngày. Theo người dân sinh sống nơi đây, cứ mỗi khi trời mưa, rác thải nơi khác trôi về đây và bốc mùi hôi thối nồng nặc.Nước kênh đen ngầu, đặc quánh, có khi nước cùng rác tràn lên mặt đường, trôi vào nhà dân khiến người dân rất khổ sở.
Tương tự, tại tuyến kênh A4, một trong 3 hướng thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất (Quận Tân Bình) cũng đang báo động về tình trạng lấn chiếm, xả rác gây ô nhiễm và tắc nghẽn dòng chảy. Ngoài kênh A41, ba kênh Hy Vọng, Tân Trụ và mương Nhật Bản thuộc hướng thoát nước còn lại của sân bay cũng đang bị lấn chiếm, xả rác khiến nguy cơ ngập úng rất đáng lo ngại.
Tình trạng lấn chiếm, xả rác xuống sông, kênh, rạch có chức năng thoát nước cũng diễn ra khá phổ biến ở nhiều khu vực khác như Quận 2, Quận 7, quận Bình Tân. Hàng loạt các tuyến kênh, rạch như kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hũ, kênh Bến Nghé… đang phải gồng mình “cõng” hàng trăm tấn rác do các hộ dân, hộ kinh doanh trên và ven kênh xả trực tiếp mỗi ngày. Nếu một bộ phận người dân cứ tiếp tục thờ ơ, vô tâm trong việc bảo vệ môi trường, tình trạng kênh, rạch Thành phố Hồ Chí Minh bị “bức tử” bởi nước ô nhiễm, rác thải vẫn sẽ tiếp diễn. Thậm chí, những tuyến kênh đã khôi phục cũng có nguy cơ bị tái ô nhiễm.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày, công nhân thoát nước phải dọn hàng chục xe rác từ lòng cống và các dòng kênh, rạch trên địa bàn Thành phố. Trong những đợt ngập vì ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, lượng rác thu được tăng gấp 3 - 4 lần bình thường. “Rác bít cả lòng cống, miệng kênh, không chỉ rác xốp, rác nhựa mà còn có cả chai thủy tinh, gạch đá, xi măng, xác động vật… bện chặt với nhau thành từng khối lớn khiến nước không chảy được, công nhân môi trường phải lội xuống kênh hoặc bò vào lòng cống gần chục mét để cắt từng mảnh nhỏ đưa lên bờ”, Thạc sĩ Bùi Văn Trường, Trưởng Phòng Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước mưa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, các ngành chức năng rất tích cực thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng xả rác gây ô nhiễm kênh rạch, cửa xả, công trình thoát nước. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, hơn 300 trường hợp vứt rác ra nơi công cộng, kênh rạch, cống thoát nước đã bị xử lý. Tuy nhiên, đối tượng xả rác nơi công cộng, cống rãnh, kênh rạch chủ yếu là người bán hàng rong, người lao động có thu nhập thấp, các vi phạm thường xảy ra ở nơi vắng người, đất trống thiếu phương tiện ghi hình, kiểm tra giám sát trong khi lực lượng kiểm tra tại phường, xã quá mỏng. Hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt hành vi đổ rác xây dựng không đúng nơi quy định, nhiều quận, huyện không xử lý được mà chỉ tổ chức thu gom.
Về tình trạng lấn chiếm kênh, rạch, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, Thành phố đã rất quyết liệt cưỡng chế hàng loạt công trình xây dựng lấn chiếm kênh, rạch trái phép, có trường hợp lấn chiếm hàng nghìn mét vuông. Tuy nhiên, tình hình thực tế vẫn không mấy chuyển biến vì các ngành chức năng khi muốn giải tỏa công trình vi phạm phải tiến hành xác minh nguồn gốc pháp lý nhà đất rất phức tạp, không thể giải quyết nhanh chóng trong khi số vụ lấn chiếm kênh, rạch lại ngày một gia tăng. Ngoài ra, do hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố được phân cấp quản lý tùy theo chức năng cho chính quyền địa phương và các cấp sở chuyên ngành, trong khi công việc thanh tra dự án xây dựng lại do Sở Giao thông Vận tải phụ trách nên khi xử lý lấn chiếm đã phát sinh sự chồng chéo trong trách nhiệm giữa các bên liên quan, khiến việc xử lý gặp không ít khó khăn.
Bài cuối: Kỳ vọng vào các giải pháp bền vững