Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, nhấn mạnh: Khi nói đến TP Hồ Chí Minh, chúng ta luôn xem đây là một thành phố với mô hình chính quyền đô thị năng động, sôi động và sáng tạo thu hút các nguồn lực hàng đầu của Việt Nam. Thành phố luôn đi đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế và là một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và chính trị lớn. Trên phương diện văn hóa truyền thống, TP Hồ Chí Minh cũng là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa đa dạng và phát triển với sự kết tinh của nhiều dân tộc, tôn giáo gắn với các bản sắc của nhiều tộc người, là mảnh đất màu mỡ cho sự du nhập, hội tụ, lan tỏa, lắng đọng mang lại những nét văn hóa truyền thống riêng có của đô thị hiện đại nhưng giàu bản sắc ở Thành phố.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, trong bối cảnh và xu hướng phát triển đô thị hiện nay, để góp phần thực thi tốt, hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị với tầm nhìn chiến lược, có tính thời đại về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, cần xác định rõ lộ trình, bước đi, các giá trị định hình lên thương hiệu Thành phố mang tên Bác. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng phát triển chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng, góp thêm một kênh thông tin, một số gợi ý chính sách giúp hoàn thiện hơn các giải pháp trong phát triển chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh.
Luận bàn về giá trị văn hóa truyền thống Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh trong xây dựng chính quyền đô thị, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để xây dựng và phát triển Thành phố trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc xây dựng thành công chính quyền đô thị, trước tiên cần xây lối sống, phong cách văn hóa con người nơi đây sao cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. Chính những giá trị, nền tảng văn hóa truyền thống quý báu của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh là điều kiện, cơ sở hết sức thuận lợi cho tiến trình phát triển.
Tuy nhiên, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, đứng trước bối cảnh mới của hội nhập quốc tế, sự phát triển quá nhanh về kinh tế, tốc độ di dân, tốc độ phát triển kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật... những giá trị truyền thống đang có nguy cơ biến dạng, mai một và hỗn tạp đi rất nhiều. Một số lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công do hoạt động kinh tế thị trường xâm nhập, bị biến đổi nên hoạt động còn cầm chừng, thậm chí “thoi thóp”, nhiều nghệ nhân lưu giữ những tri thức dân gian tuổi đã cao lần lượt qua đời, nhiều loại hình diễn xướng dân gian có nguy cơ biến mất vĩnh viễn…
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân cho rằng: Trước bối cảnh xây dựng chính quyền đô thị, việc đầu tiên cần nhìn nhận vấn đề bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó các giá trị di sản văn hóa làm nền tảng để phát triển làm mục hàng đầu. Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố đông dân nhất của cả nước, vấn đề xác định giá trị truyền thống, xây dựng chuẩn mực giá trị vừa có những nét chung vừa mang bản sắc riêng ở Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh được đặt ra một cách cấp bách hơn. Vì đây, không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa, trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn nhất cả nước.
Nhìn nhận dưới góc độ xây dựng thương hiệu thành phố thông qua việc phát triển các không gian công cộng sáng tạo tại Thành phố, Thạc sĩ Phạm Đình Bích Vân (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Việc phát huy tính sáng tạo trong các không gian công cộng là một cách thức hiệu quả trong việc thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu cho Thành phố theo định hướng xem các yếu tố đổi mới sáng tạo là trung tâm để thúc đẩy sự phát triển của Thành phố. Các không gian công cộng sáng tạo có tác động tích cực đến các mặt từ kinh tế đến văn hóa, xã hội của Thành phố.
Cụ thể, theo Thạc sĩ Phạm Đình Bích Vân, tác động tích cực đầu tiên là cộng đồng cư dân sẽ được tiếp cận với các tri thức mới, kỹ năng mới, công nghệ hiện đại và thu hút nguồn lực đầu tư, đây sẽ là không gian để các thành viên trong cộng đồng gắn kết với nhau tạo nên một môi trường cởi mở và sáng tạo. Tiếp đó, không gian công cộng sáng tạo, dù lớn hay nhỏ, đều có đội ngũ để duy trì hoạt động và một cộng đồng tham gia để thực hiện công việc sáng tạo. Sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng của các không gian công cộng sáng tạo, nhất là tại các thành phố lớn sẽ giải quyết phần nào nhu cầu việc làm, tạo ra nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo. Cùng với đó, không gian công cộng sáng tạo là nơi khơi nguồn cảm hứng, kết nối để tạo thành mạng lưới cộng đồng sáng tạo, đồng thời làm thay đổi diện mạo, bản sắc đô thị theo hướng tích cực.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan của Trung ương, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức ở TP Hồ Chí Minh đã tập trung trao đổi, phân tích các vấn đề lý luận, thực tiễn qua kinh nghiệm thực tiễn tại một số địa phương và trên thế giới liên quan đến việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị. Các đại biểu đánh giá về thực trạng, tiến trình xây dựng chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển, các tiềm năng, lợi thế cũng như các giá trị lịch sử văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nguồn lực con người của thành phố trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị hiên nay…