Sức dân nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Đồng hành cùng dân tộc, vì ngày mai bình yên

Cụ thể hóa tinh thần “đồng hành cùng dân tộc”, các tôn giáo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tích cực với những hoạt động chủ động, sáng tạo thấm đẫm tinh thần “từ bi”, “bác ái” để chung tay, góp sức cùng nhân dân Thành phố trong trận chiến với đại dịch COVID-19.

Từ các Tăng Ni, Phật tử đến các linh mục, giáo dân Công giáo, đồng bào tôn giáo tại Thành phố đã tạm gác lại công việc của mình để khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, tham gia các hoạt động hỗ trợ điều trị tại các Bệnh viện dã chiến, hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19.

Mang nét đẹp đạo - đời đi vào tâm dịch

Chú thích ảnh
Các bếp ăn từ thiện do các chùa ở TP Hồ Chí Minh đã cung cấp hàng ngàn xuất ăn mỗi ngày cho người dân gặp khó khăn trong các khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến. 

“Làm việc trong môi trường tiếp xúc bệnh nhân F0 rất nguy hiểm, nhưng mình đã mặc bảo hộ đầy đủ, lỡ mà dính cũng phải chịu thôi. Nguy hiểm thì nguy hiểm, nhưng mình không đi, ai đi chăm sóc bệnh nhân”. Đây là lời chia sẻ mộc mạc chân tình sau quyết định đăng ký thêm thời gian làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu COVID-19 (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2- Thủ Đức) của Phật tử Nguyễn Phú Tài (28 tuổi, quê ở Vĩnh Long).

Anh Nguyễn Phú Tài giải thích, ban đầu anh đăng ký phục vụ một tháng. Khi hết thời gian, thấy người bệnh vẫn còn nhiều, bác sỹ còn vất vả, anh xin ở lại thêm một tháng nữa. Anh Tài bộc bạch: “Tôi thực lòng muốn ở lại vừa chăm sóc những bệnh nhân COVID-19 vốn không có người thân bên cạnh, vừa làm thêm những công việc phục vụ để giúp các bác sỹ có thêm thời gian tập trung vào công việc chữa bệnh”.

Có chung suy nghĩ này, sơ Teresa Trịnh Thùy Linh, Dòng thánh Phaolo đăng ký ở lại thêm một tháng phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 16. “Mình đăng ký quay trở lại để tiếp tục công việc vì muốn được chia sẻ và phục vụ các bệnh nhân thêm. Trong khi bệnh nhân không thể thở được, gần như kiệt sức, việc tự chăm sóc bản thân rất khó khăn. Trong khi đó, mình vẫn thở được, còn khỏe, cơ hội của mình chính là chia sẻ với các bệnh nhân. Qua đại địch mới thấy cuộc sống rất mong manh và giúp mình trân quý sự sống này hơn”, sơ Trịnh Thùy Linh chia sẻ.

Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, ngại ngùng và cả lo sợ khi bắt đầu tham gia công tác tình nguyện tại các Bệnh viện điều trị COVID-19, đến nay, hơn 500 tình nguyện viên đến từ các tôn giáo giáo khác nhau đang hàng giờ, hàng phút không nề hà vất vả, lăn xả vào nơi nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập để hỗ trợ cho lực lượng y bác sỹ, điều dưỡng viên nơi tuyến đầu.  

Không phật biệt ngoài đời là Tăng, Ni, Phật tử hay Linh mục, tu sỹ, giáo dân... những tình nguyện viên tôn giáo với tinh thần phụng sự, coi người bệnh như người thân đã đoàn kết, giúp đỡ nhau trong những công việc hàng ngày như giúp bệnh nhân làm vệ sinh thân thể, cho bệnh nhân ăn, uống thuốc cho đến vệ sinh khoa phòng, cắt tóc, động viên an ủi người bệnh những lúc họ xuống tinh thần… Và sau những giờ phút vất vả, âu lo bên người bệnh, niềm vui của những tình nguyện viên là cảm giác được cống hiến, được phục vụ, được chứng kiến niềm hạnh phúc của y bác sỹ và nụ cười của bệnh nhân khi họ vượt qua cơn hiểm nghèo.  

Bác sĩ Vương Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 16 cho biết, cách đây hơn một tháng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố. Các Bệnh viện dã chiến gấp rút ra đời, nhưng lực lượng cán bộ y tế luôn thiếu hụt trầm trọng vì số bệnh nhân rất đông, tăng theo cấp số nhân hàng ngày. Vì vậy, sự tăng cường của lực lượng tình nguyện viên tôn giáo cho bệnh viện là rất đáng quý, kịp thời giải tỏa phần nào áp lực vô cùng lớn đối với các bác sỹ, y tá, điều dưỡng.

Theo bác sỹ Vương Trọng Hiếu, ban đầu, Bệnh viện có đôi chút lúng túng trong điều hành công việc vì trong 62 tình nguyện viên (đợt 1), số người có chuyên môn y tế không nhiều nhưng lại rất đông các linh mục, tu sỹ có học vấn, thậm chí có địa vị xã hội cao bên ngoài. Tuy nhiên, mọi băn khoăn của Bệnh viện đã được giải tỏa khi tất cả các tình nguyện viên khi bắt tay vào công việc đều không quản ngại tiếp xúc, không nghĩ đến địa vị, vị thế cá nhân để tận tình chăm sóc rót nước, bưng cơm, bón sữa, dọn giường chiếu, chăm sóc bệnh nhân đến tận cùng và lan tỏa niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống đến bệnh nhân và cả đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện.

Bác sĩ Vương Trọng Hiếu xúc động nói: “Tận đáy lòng, không lời nào mô tả được sự nhiệt tình, sự trân trọng đối với các tình nguyện viên tôn giáo. Có thể nói, giờ đây, họ là đồng nghiệp của tôi chứ không phải là tình nguyện viên nữa. Thay mặt cán bộ, bác sỹ và hàng nghìn bệnh nhân đã và đang điều trị tại Bệnh viện trân trọng cảm ơn sự có mặt và giúp đỡ của các tình nguyện viên. Những kết quả tích cực trong công tác điều trị bệnh nhân mà Bệnh viện đạt được trong những ngày qua có sự đóng góp vô cùng lớn của các tình nguyện viên tôn giáo”.

Cũng đánh giá cao về vai trò của tình nguyện viên nơi tuyến đầu, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố cho rằng, trong những lúc khó khăn nhất, Thành phố đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời rất đáng trân trọng, đầy ý nghĩa nhân văn của các y bác sỹ từ các địa phương trong cả nước và lực lượng tình nguyện viên tôn giáo tại Thành phố. Sự chung sức này đã góp phần giúp cứu sống, chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân COVID-19 và là nguồn động viên to lớn đối với lực lượng tuyến đầu, thể hiện truyền thống “tốt đời đẹp đạo” của tôn giáo Việt Nam trong cuộc sống, tạo nên niềm tin chiến thắng dịch COVID-19.

Góp sức vì ngày mai bình yên

Đã hơn ba tháng qua, đều đặn mỗi sáng, chị Phạm Thị Minh Chính, pháp danh Hạnh Nguyên, 42 tuổi dậy từ rất sớm để cùng hơn 50 tình nguyện viên trong chùa Tường Nguyên (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) chuẩn bị cho “bữa cơm yêu thương” trao đến các bệnh viện, khu cách ly, điểm trực chốt y tế…  Đã nhiều năm làm công quả, nhưng đây là lần đầu tiên Phật tử Hạnh Nguyên có một đợt thiện nguyện xa nhà lâu đến vậy. Kể từ ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến nay, chị và những tình nguyện viên, người làm công quả “3 tại chỗ” ở chùa để tiếp tục những công việc thiện nguyện của mình.

Mỗi ngày, chùa Tường Nguyên nấu từ 10.000 -15.000 suất ăn, có lúc cao điểm lên tới 23.000-25.000 suất ăn cho 3 bữa. Số nhân công huy động lên tới cả trăm người với nhiều nhóm làm việc như nhóm sơ chế nguyên liệu, nhóm nấu ăn, chia cơm, khuân vác, vận chuyển… Vất vả nhất là nhóm vận chuyển gồm những tình nguyện viên trẻ, khỏe đảm nhiệm công việc khuân vác hàng chục tấn hàng hóa mỗi ngày. “Khó khăn nhất là những đầu bếp luôn phải đảm bảo bữa ăn dù là cơm chay hay đồ mặn phải luôn được đổi mới, đủ chất và ngon miệng với mọi người”, Phật tử Hạnh Nguyên cho biết.

Đến nay, sau hơn 100 ngày giãn cách, chùa Tường Nguyên đã nấu hơn 1,5 triệu suất ăn gửi đến các bác sỹ, y tá, điều dưỡng, nhân viên công vụ, bệnh nhân F0 tại khoảng 30 địa điểm khác nhau trong thành phố như các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, khu cách ly… Ngoài chương trình “Bữa cơm yêu thương”, các Tăng Ni, Phật tử chùa Tường Nguyên và nhà hảo tâm đã quyên tặng 16 xe cứu thương, trang thiết bị y tế như máy thở, bình oxy, vật tư bảo hộ y tế cho các cơ sở y tế, bệnh viện. Đặc biệt, chùa Tường Nguyên đã xây dựng chương trình “Bác sỹ của F0” với 25 bác sỹ tham gia tư vấn trực tuyến và tặng hơn 10.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà… Tổng kinh phí các hoạt động thiện nguyện của nhà chùa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này lên tới hơn 149 tỷ đồng.
           
Trong những ngày qua, nhiều tình nguyện viên chùa Tường Nguyên vì vất vả vượt nắng, đội mưa, lội nước ngập mà bị ốm bệnh, thậm chí có người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 sau khi đến các khu cách ly, phong tỏa. Vượt lên tất cả, bằng tinh thần thiện nguyện, thương thân tương ái, các Tăng, Ni, Phật tử, nhà hảo tâm chùa Tường Nguyên bằng những việc làm thiết thực của mình đã sẻ chia những nỗi vất vả khó khăn của lực lượng tuyến đầu và người dân Thành phố trong những ngày dịch bệnh. “Bệnh thì chữa, hết bệnh lại tiếp tục làm việc. Chúng tôi tâm niệm phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Vì thế, ai cũng cố gắng, làm việc bằng chính cái tâm của mình. Đợt thiện nguyện này là dài nhất, vất vả nhất nhưng cũng có ý nghĩa nhất đối với chúng tôi”, Phật tử Hạnh Nguyên chia sẻ.

Địa bàn Thành phố còn có rất nhiều chùa, cơ sở Phật giáo khác tích cực triển khai các hoạt động thiện nguyện như tặng quà, tặng suất ăn cho lực lượng tuyến đầu, bệnh nhân F0, người dân trong khu phong tỏa, cách ly; tặng trang thiết bị y tế hỗ trợ các bệnh viện, bệnh nhân F0… góp phần cùng chính quyền Thành phố chăm lo an sinh cho người dân, chung tay hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng chung tấm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, hướng tới những người đang gặp khó khăn trong đại dịch, trong những ngày Thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, Chương trình “Lan tỏa yêu thương” do giới doanh nhân Công giáo Thành phố triển khai đã trao tặng hơn 200.000 phần quà gồm gạo, mì gói, đồ hộp, khẩu trang… cho người nghèo, người chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, với tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng. Ngoài ra, tại các giáo xứ, các Linh mục, tu sỹ Công giáo, đồng bào Công giáo trên địa bàn Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người dân gặp khó khăn và các bệnh nhân COVID-19 và chung tay cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn Phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Giáo hội có kế hoạch cùng một số cơ quan, ban ngành của Thành phố triển khai các chương trình thiện nguyện xã hội như: chăm lo cho người F0 đã khỏi bệnh mà chưa có chỗ ở, chưa được về với gia đình; chăm lo trẻ em mồ côi cha mẹ vì COVID-19, giúp các em có một mái ấm tình thương với sự hiện diện của những người có thể thay cha mẹ chăm sóc các em. “Sau khi Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, số công nhân lao động, người làm việc ở xí nghiệp, công xưởng rất cần sự hỗ trợ trong 1-2 tuần đầu vì chưa thể có lương ngay. Các giáo xứ có thể vận động người kinh doanh nhà, cho thuê nhà hỗ trợ miễn phí, giảm giá cho thuê nhà và hỗ trợ ăn uống cho các F0, công nhân mới trở lại Thành phố làm việc”, Linh mục Đào Nguyên Vũ cho biết thêm.

Trân trọng tri ân những đóng góp của đồng bào tôn giáo trên địa bàn Thành phố với công tác phòng, chống dịch COVID-19, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sự tham gia tích cực, hỗ trợ tận tình của đồng bào có đạo về cả vật chất, tinh thần và nhân lực đã tạo nên nguồn lực to lớn, sự động viên kịp thời cho Thành phố trong cuộc chiến với COVID-19. Những hoạt động tốt đời đẹp đạo của các tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, chung sức đồng lòng cùng chính quyền và nhân dân Thành phố ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm mang lại cuộc sống bình yên cho Thành phố. 

Bài, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Sức dân nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh - Bài 4: Trường học chung tay chống dịch
Sức dân nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh - Bài 4: Trường học chung tay chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch trên địa bàn, với chuyên môn đào tạo của mình, nhiều trường Đại học tại TP Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bằng nhiều cách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN