Thăm khu căn cứ Trung ương Cục Miền Nam những ngày tháng 4 lịch sử

Gần 300 nữ cán bộ công đoàn của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các trường học, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã có chuyến về nguồn đầy ý nghĩa tại tỉnh Tây Ninh, nhân kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) trong 2 ngày 15-16/4.

Chú thích ảnh
Các nữ cán bộ công đoàn tại TP Hồ Chí Minh tìm hiểu về Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Trong chuyến về nguồn lần này, các nữ cán bộ, công đoàn viên tiêu biểu trong công tác chống dịch COVID-19 vừa qua của các đơn vị, doanh nghiệp đã được giao lưu với bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh và bà Tiêu Hải Vân, nguyên cán bộ Công vận Tổng LĐLĐ Việt Nam để tìm hiểu về quá trình chiến đấu anh dũng của các thế hệ cha anh tại Khu căn cứ Trung ương cục Miền Nam năm xưa.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, bà Tiêu Hải Vân cho biết, bà tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi và làm rất nhiều công việc như tải đạn, truyền tin, cùng chiến đấu với đồng đội tại Trung ương cục Miền Nam gần 10 năm. Những ngày tháng đó tuy gian khổ nhưng rất ý nghĩa khi bà luôn hoàn thành được các nhiệm vụ mà cấp trên giao phó dù khó khăn đến đâu.

Chú thích ảnh
Bà Tiêu Hải Vân (ở giữa) và bà Hoàng Thị Khánh nhận hoa cảm ơn từ đại diện Ban nữ công TP Hồ Chí Minh.

“Lúc đó, dù trông tôi khá nhỏ bé nhưng ở hoàn cảnh nào tôi đều không từ chối nhiệm vụ. Dù nhiệm vụ khi đó phải băng rừng, vượt suối, vượt qua làn đạn bom... tôi cũng cố gắng hoàn thành. Tôi thấy rằng, người phụ nữ Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng có sức bền, chiến đấu, sự gan dạ và ý chí quật cường không khác gì các những nam giới khi thực hiện các nhiệm vụ cách mạng cao quý và thiêng liêng. Trở lại thời bình, người phụ nữ Việt Nam dù bận trăm công nghìn việc nhà nhưng vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị. Vì vậy, với vai trò là những nhà lãnh đạo công đoàn, chúng ta phải chăm lo tốt nhất cho chị em phụ nữ để chị em được hưởng những quyền lợi cần thiết nhất”, bà Tiêu Hải Vân cho biết.

Tham gia chuyến về nguồn tại Tây Ninh, cô Ngô Thị Mỹ Sương, cán bộ công đoàn Đại học Công Nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tham gia chuyến về nguồn hôm nay, tôi thấy rất khâm phục ý chí chiến đấu của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời chiến. Trong hoàn cảnh rừng thiêng như vậy mà các đồng chí vẫn dũng cảm chiến đấu ngày đêm không quản ngại gian khổ. Khi trở lại cuộc sống bình thường, nhìn các căn nhà là chỗ ở của các vị lãnh đạo thấy họ sống rất giản dị, đơn sơ càng cho tôi thêm khâm phục. Từ họ, tôi sẽ học được những đức tính như giản dị, mộc mạc và kiên cường trong mọi hoàn cảnh khó khăn". 

Báo Tin tức xin gửi đến độc giả những hình ảnh về nguồn của các cán bộ nữ công đoàn TP Hồ Chí Minh:

Chú thích ảnh
Trước khi tham quan Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, đoàn cán bộ nữ công đoàn TP Hồ Chí Minh đã thắp hương tưởng niệm tại Nhà truyền thống của Khu căn cứ. 
Chú thích ảnh
Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào tháng 10/1961 tại Mã Đà, căn cứ đóng ở Suối Nhung (chiến khu D) tỉnh Đồng Nai. Đây là căn cứ nổi tiếng của bộ đội miền Đông Nam bộ qua hai cuộc kháng chiến. Chiến khu rộng khoảng 2.000 km2, đây là nơi ra đời lực lượng đặc công đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Do bệnh sốt rét hoành hành, đầu năm 1962, căn cứ chuyển về chiến khu Bắc Tây Ninh cho đến ngày 30/4/1975.
Chú thích ảnh
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Tây Ninh hai lần vinh dự là nơi đứng chân của Trung ương Cục - cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Trong ảnh: Các nữ công đoàn tham quan khu nhà làm việc của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời kỳ kháng chiến. 
Chú thích ảnh
Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước nơi ở và làm việc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhà được lợp mái bằng lá trung quân. Phía trước là một mái hiên do chính cố Thủ tướng thiết kế để sau giờ làm việc ông thường chăm sóc cây cối ở đây. 
Chú thích ảnh
Các nữ cán bộ công đoàn TP Hồ Chí Minh tìm hiểu về lá trung quân. Đây là một loại lá rừng, dài khoảng 40 - 45cm và rộng 5 - 6cm, hình dáng và kích thước gần giống lá cây ngọc lan. Do là lá không cháy lan nên được cán bộ chiến sĩ cách mạng dùng để lợp nhà trong chiến khu. 
Chú thích ảnh
 Căn nhà của đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục từ năm 1967-1975, được nhân dân trong vùng trìu mến gọi đây là "Căn cứ Phạm Hùng". Tại đây vẫn còn lưu giữ các hiện vật như: hầm chữ A, di ảnh, mắt kính, radio, viết máy và một chiếc tivi nhỏ. Phía trước nhà còn có một cây vú sữa và cây bưởi do chính đồng chí Phạm Hùng trồng trước năm 1975.
Chú thích ảnh
Căn nhà của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Chú thích ảnh
Hệ thống giao thông hào tại Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam. 
Chú thích ảnh
Nhiều cán bộ công đoàn rất vui khi được trải nghiệm dưới hầm địa đạo trong Khu căn cứ.
Chú thích ảnh
Tại Khu căn cứ này có 24 cơ quan Trung ương Cục với 7.357 cán bộ từng sống và chiến đấu, chưa kể lực lượng bảo vệ. 
Chú thích ảnh
Sau khi tham quan Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Ban nữ công Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức chương trình giao lưu, họp mặt các cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 
Chú thích ảnh
Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh trao giấy khen cho những đội thi đoạt giải thưởng về Cuộc thi duyên dáng áo dài trong tối 15/4. 

 

Chùm ảnh, clip: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Công đoàn Thông tấn xã Việt Nam chăm lo đến đời sống người lao động
Công đoàn Thông tấn xã Việt Nam chăm lo đến đời sống người lao động

Với 31 đầu mối công đoàn, trong đó có 8 công đoàn cơ sở và 23 công đoàn bộ phận, toàn ngành Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có trên 2.200 đoàn viên công đoàn, trong đó 47% là nữ, 82,3% đoàn viên công đoàn có trình độ đại học và trên đại học; được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, chính trị vững vàng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN