Thành phố Hồ Chí Minh xử lý triệt để ô nhiễm tiếng ồn

Ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng lớn đến bộ mặt đô thị cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhằm giải quyết triệt để vấn đề này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý tất cả các hành vi tiếng ồn trong khu dân cư, mục tiêu đến cuối năm 2021 Thành phố không còn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. 

Chú thích ảnh
Hát karaoke lưu động trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM). Ảnh: hanoimoi.com.vn

Khổ sở vì bị "tra tấn" bằng tiếng ồn

Người dân sống tại một khu chung cư lâu đời trên địa bàn đường Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3) thời gian qua thường xuyên bị "tra tấn" bởi những tiếng ồn từ các nhà hàng, quán nhậu, quán karaoke xung quanh. Theo chia sẻ của một số hộ dân, trước đây khu vực này khá yên tĩnh nhưng từ khi các tuyến đường tiếp giáp với khu chung cư phát triển thành khu ăn uống sầm uất thì ô nhiễm tiếng ồn diễn ra hàng ngày. Một số cơ sở kinh doanh mở nhạc rất to, không kể giờ giấc; thậm chí có nhà hàng còn phục vụ khách hát karaoke đến 23, 24 giờ. Tiếng ồn quá to khiến người dân xung quanh rất mệt mỏi khi không thể nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, còn học sinh, sinh viên lại không thể tập trung học bài. Nhiều gia đình đã phải đưa người bệnh, người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ trong nhà sang nơi khác để "trốn" tiếng ồn.

Trong khi đó, người dân sống tại một con hẻm trên đường Đỗ Xuân Hợp (Thành phố Thủ Đức) lại chịu sự "tra tấn" từ chính những người hàng xóm thiếu ý thức, thích tụ tập ăn nhậu huyên náo đến khuya và đặt loa thùng hát karaoke ngay trước cửa nhà; chưa kể còn thường xuyên xảy ra ẩu đả do "rượu vào lời ra".

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tiếng ồn là một tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khoẻ rất nặng nề nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Với một người bình thường, cường độ âm thanh ở mức trung bình trên dưới 50 dB nằm trong ngưỡng chấp nhận được nhưng từ 80 dB trở lên thì có thể gây suy giảm thính giác, trong khi các thiết bị hát karaoke có khuếch đại hiện nay thì cường độ âm thanh có khi lên tới 110 dB. Ngoài ra, những người sống và tiếp xúc thường xuyên với cường độ âm thanh lớn sẽ không thể có giấc ngủ ngon, về lâu dài sẽ dẫn đến chứng mất ngủ kinh niên. Những người mắc bệnh mãn tính tiếp xúc nhiều với tiếng ồn sẽ ảnh hưởng đến tim mạch, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là người lớn tuổi.

Sẽ quyết liệt xử lý

Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chia đợt xử lý vi phạm tiếng ồn làm 2 khoảng thời gian. Trong thời gian từ 25/3 đến 30/6, toàn địa bàn sẽ tập trung công tác tuyên truyền, vận động cam kết, kiểm tra, nhắc nhở và hoàn thiện các quy định pháp luật để phổ biến đến người dân; giai đoạn này chưa xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn.

Cao điểm thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm bắt đầu từ ngày 30/6. Trong giai đoạn này, chính quyền các cấp cùng sở, ngành liên quan sẽ thành lập các tổ công tác liên ngành nhằm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất theo lĩnh vực phụ trách; tập trung kiểm tra và xử lý hành chính nghiêm túc các hành vi vi phạm về tiếng ồn theo 4 Nghị định liên quan gồm 100/2019, 167/2013, 155/2016 và 98/2020, mức xử phạt từ 100 nghìn – 160 triệu đồng tùy trường hợp. 

Bên cạnh đó, những khu vực thường xuyên bị phản ánh vi phạm tiếng ồn sẽ được khoanh vùng, kiểm tra thường xuyên. Người đứng đầu mỗi địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để tái vi phạm tại các địa điểm đã kiểm tra, xử lý. Sau khi đợt cao điểm kết thúc, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có sơ kết đánh giá và bổ sung vào các quy định để tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Quận 12 đánh giá, trong thực tiễn vấn đề khó nhất về xử lý tiếng ồn tại khu dân cư là có chứng cứ và bắt quả tang để xử lý. Theo quy định hiện nay, cán bộ phường, xã không có thẩm quyền đo tiếng ồn hoặc thuê đơn vị độc lập có chức năng kiểm tra tiếng ồn, trong khi các quy định cũng chưa nêu rõ ồn ở ngưỡng nào thì phải chịu phạt. Quận 12 đang dự tính vận động người dân ký cam kết không hát karaoke tại nhà gây ồn ào, nếu vi phạm thì cảnh sát khu vực và tổ dân phố đến nhắc nhở; đồng thời tăng cường lực lượng cảnh sát khu vực để thường xuyên nhắc nhở người dân thực hiện cam kết. Ông Hiếu cho rằng, Thành phố nên có quy chế yêu cầu cán bộ có trách nhiệm về xử lý tiếng ồn, cũng như mở lớp tập huấn và cấp chứng chỉ về thẩm định tiếng ồn để cấp phường, xã xử phạt kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các trường hợp gây tiếng ồn sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo nghị định số 155/2016 của Chính phủ, mức xử phạt từ 1 – 160 triệu đồng. Tuy nhiên, để xử phạt thì phải có kết quả đo đạc bởi đơn vị có chức năng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận. Trong khi đó theo quy định, các cấp phường, xã lại không có thẩm quyền thuê đơn vị đến đo tiếng ồn mà chỉ có Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND Thành phố, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện và lực lượng công an mới đủ thẩm quyền kiểm tra và lập biên bản vi phạm. Với phạm vi thẩm quyền này, nếu muốn kiểm soát hiệu quả vấn đề tiếng ồn trên toàn địa bàn Thành phố là rất bất cập.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, việc xử lý tiếng ồn còn dựa theo Nghị định số 167/2013. Tuy nhiên, mức phạt ở Nghị định này chỉ có từ 100.000 – 300.000 đồng, chưa đủ sức răn đe. Khoảng thời gian xử phạt theo quy định từ 22 giờ đến 6 giờ sáng nên việc xử phạt ngoài khung giờ trên không thể áp dụng. Bên cạnh đó, đặc thù của loa, loa kéo hát karaoke là nguồn gây ồn không cố định, dễ di chuyển, dễ điều chỉnh khi cần, có tính đặc thù nhưng pháp luật chưa quy định cụ thể trong xử lý nên đã xảy ra tình trạng người vi phạm khi phát hiện đoàn kiểm tra thì ngưng hoặc giảm âm lượng loa để đối phó, khi đoàn kiểm tra rời đi thì bật trở lại. Ngoài những hoạt động gây tiếng ồn lớn, có những hoạt động gây tiếng ồn không vượt chuẩn cho phép nhưng kéo dài, các tác động âm ỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kết quả cao điểm xử lý vi phạm về tiếng ồn của các địa phương và tổng hợp những khó khăn trong quá trình thực hiện để đề xuất giải pháp cho UBND Thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, trong bối cảnh việc xử phạt bằng luật còn gặp khó nên các sở, ngành cần tập trung nghiên cứu để tìm ra những hướng xử lý mới cho các hành vi, vi phạm trong lĩnh vực mình phụ trách; nghiên cứu đề xuất bổ sung trang, thiết bị kỹ thuật, phương tiện cần thiết phục vụ công tác xử lý vi phạm... Ở thời điểm hiện tại, các ban, ngành Thành phố nên đặt tuyên truyền là mục tiêu đầu tiên cần làm, bởi thực tế nhiều người dân chưa nhận thức được mức độ ảnh hưởng của hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong hoạt động ca hát, chưa nắm rõ quy định của pháp luật. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền ở giai đoạn đầu, nâng cao ý thức tự giác của người dân, việc thực hiện xử phạt, chế tài trong giai đoạn sau sẽ không cần quá gay gắt nữa.

Hồng Giang (TTXVN)
Thứ trưởng Lê Công Thành: Rất khó để quản lý tiếng ồn
Thứ trưởng Lê Công Thành: Rất khó để quản lý tiếng ồn

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/3, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc quản lý ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là vấn nạn karaoke, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Rất khó để quản lý tiếng ồn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN